Kêu gọi châu Á đề cử ứng viên tổng giám đốc IMF

Tổng thư ký ASEAN kêu gọi các nước châu Á phối hợp đề cử một ứng cử viên cho chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngày 27/5, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Surin Pitsuwan đã kêu gọi các nước châu Á phối hợp đề cử một ứng cử viên cho chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tờ Bangkok Post của Thái Lan số ra ngày 27/5 dẫn phát biểu của ông Pitsuwan tại Hội nghị “Tương lai châu Á,” tổ chức ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhấn mạnh: "Giờ là thời điểm để châu Á đưa ra một ứng cử viên, người đó không nhất thiết phải là một người châu Á mà có thể đến từ một nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng không phải từ Liên minh châu Âu (EU) và chắc chắn không phải là người đến từ Bắc Mỹ."

Theo Tổng thư ký Pitsuwan, với vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế thế giới và là một trong những nguồn đóng góp tài chính lớn cho IMF, châu Á cần khẳng định vị thế của mình trong các thể chế quốc tế lớn như IMF hay Ngân hàng Thế giới (WB), và điều này cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ.

Ông nhấn mạnh nếu không tham gia tiến trình đề cử vị trí lãnh đạo IMF lần này thì ASEAN tự bỏ lỡ cơ hội của khối tham gia vào tiến trình quản trị toàn cầu. Các quốc gia đang phát triển đóng góp 42% tổng kinh phí hoạt động của IMF, phần còn lại chia đều cho Mỹ và EU với mức đóng góp gần 30%.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đề xuất lựa chọn người đứng đầu IMF thông qua một tiến trình tham vấn dân chủ với quy trình minh bạch, có tính tới vai trò đang lên của các nền kinh tế mới nổi và phải phản ánh được những thay đổi đang diễn ra trên bàn cờ kinh tế thế giới.

Ngày 25/5, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã trở thành chính khách đầu tiên tuyên bố ứng cử chức Tổng Giám đốc IMF, thay ông Dominique Strauss-Kahn đã từ chức do liên quan vụ bê bối tình dục.

Tuyên bố của Bộ trưởng Lagarde đã nhận được sự ủng hộ của một số nước châu Âu, trong đó có Anh, song nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của năm nước thành viên khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Trong thông cáo chung ngày 24/5, giám đốc văn phòng IMF tại năm nước trong khối BRICS cho rằng việc bầu chọn người đứng đầu IMF không thể căn cứ vào tiêu chí quốc tịch, vì trên thực tế sự "thỏa thuận ngầm" này đã làm suy yếu tính hợp pháp của IMF.

Theo "luật bất thành văn" kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chiếc ghế lãnh đạo định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này luôn thuộc về một người châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục