Kêu gọi đầu tư 100.000 tỷ đồng phát triển Tây Nguyên

Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009 do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức khai mạc sáng ngày 5/9 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu 120 dự án đầu tư, với số vốn lên đến 100.000 tỷ đồng nhằm biến vùng đất giàu tiềm năng này thành vùng kinh tế phát triển.
Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009 do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum) tổ chức đã khai mạc sáng ngày 5/9 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Đây là dịp để chính quyền các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, các cơ chế chính sách khuyến khích để kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, các ngành, nhà đầu tư trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận với các vấn đề thu hút đầu tư, đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên.

Thông qua diễn đàn này, các tỉnh Tây Nguyên công bố trên 120 dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch… với tổng vốn cần đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha (chiếm 16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5 triệu người. Bên cạnh tài nguyên rừng, Tây Nguyên còn có lợi thế lớn về đất đai, nổi bật là đất đỏ bazan thuân lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Tây Nguyên có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, là vùng đất lý tưởng để phát triển du lịch, và có hệ thống giao thông rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối liền Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông - Tây.

Về phương diện xã hội, Tây Nguyên là vùng đa dân tộc, phong phú và đặc sắc về văn hóa, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”.

Được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng về mọi mặt, cùng với sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của đồng bào cả nước, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong những năm qua, kinh tế Tây Nguyên liên tục tăng trưởng, mức tăng GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt trên 10,05%/năm.

Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên, nhất là những lợi thế về đất, rừng, thủy năng, tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, Nhà nước hết sức coi trọng xây dựng khối đoàn kết, ổn định chính trị, xã hội, chú trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hiện nay Tây Nguyên vẫn còn là vùng chậm phát triển so với nhiều nơi trong cả nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới...

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, do ở xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút vốn đầu tư vào khu vực còn hạn chế, chưa tương xứng với những tiềm năng của vùng. Từ năm 2001 đến nay, Tây Nguyên thu hút được 110 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 1.200 tỷ đồng và 280 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục