Kêu gọi đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, VN luôn ưu đãi và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và nông thôn.

Tại Hội thảo bàn tròn về hợp tác khu vực công và tư với chủ đề “Tạo dựng cơ hội mới cho đầu tư tư nhân vào nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) phối hợp với Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã khẳng định, Việt Nam luôn ưu đãi và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư tư nhân cho lĩnh vực này.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành danh mục 28 lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư như phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, phát triển muối, cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.

Nhiều chính sách thuận lợi khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp nông thôn đã liên tục được đưa ra như miễn tiền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất tới 70%, hỗ trợ 100% cho doanh nghiệp siêu nhỏ trong việc đào tạo nhân lực, miễn thuế nhập khẩu với nhiều trường hợp cụ thể như nhập vật tư để thực hiện dự án sản xuất giống cây, vật nuôi; miễn thuế giá trị gia tăng…, ông Phát nói.

Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư,ông Đặng Xuân Quang cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết đinh thông qua hình thức hợp tác công-tư (PPP) do Bộ Kế hoạch đầu tư trình.

Với hình thức đầu tư mới này sẽ huy động tốt nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước vào nhiều trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, ông Quang nói.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất nông,lâm nghiệp, thủy sản là 24,7 triệu ha, chiếm 74,5% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 9,4 triệu ha, đất lâm nghiệp là 14,5 triệu ha, đất nuôi trồng thủy sản 715.000 ha.

Ở Việt Nam, nông nghiệp vẫn là nguồn thu lớn nhất của các hộ gia đình ở nông thôn. Có khoảng 70% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, 68% số này sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, tiếp đến là các hộ làm dịch vụ công nghiệp, xây dựng tương ứng là 15% và 11%.

Việt Nam hiện được xếp trong nước nước có môi trường đầu tư tốt ở trên thế giới, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hơn và ngày càng minh bạch hơn.

Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, có tiềm năng liên kết được với nhịp độ phát triển của khu vực năng động này và đó là ưu thế vượt trội của Việt Nam so với các nước ASEAN trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa và vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, kinh tế Việt nam nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định trong 10 năm qua (1998-2008), bình quân đạt 5%/năm về giá trị sản xuất và khoảng 4% về GDP./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục