Kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú ẩn

Nghệ An đã quyết định cấm biển từ 17 giờ ngày 24/7 và đang tiến hành kêu gọi, thông tin để các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để thoát ra vùng nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú ẩn ảnh 1Ngư dân neo đậu tàu, thuyền để tránh bão. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, tỉnh Nghệ An đã quyết định cấm biển từ 17 giờ ngày 24/7 và đang tiến hành kêu gọi, thông tin để các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để thoát ra vùng nguy hiểm hoặc nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.

Nghệ An hiện có 3.912 tàu thuyền với 18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Cùng với các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An thì hiện nay trên vùng biển Nghệ An cũng có nhiều tàu thuyền của các tỉnh hoạt động.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết đến sáng 25/7 hầu hết chủ các tàu thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến của bão và đang tìm nơi tránh trú bão tại các cảng cá hoặc những nơi quy định tránh trú bão ở các địa phương ven biển.

Tại Nghệ An, hiện nay việc tránh trú bão cho các tàu thuyền đang gặp nhiều khó khăn, do tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn, trong khi các khu vực neo đậu tránh trú bão đang trong tình trạng xuống cấp, bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào để tránh trú bão.

Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch được các khu vực tránh trú bão nhưng do nguồn vốn có hạn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Tuy gặp khó khăn trong tránh trú bão nhưng trước diễn biến phức tạp của bão số 4 có thể đổ bộ vào địa phương, tỉnh Nghệ An kiên quyết yêu cầu các tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn; địa phương tạo điều kiện tối đa, đảm bảo các tàu thuyền có nơi tránh trú bão, bất kể đó là tàu thuyền của ngư dân Nghệ An hay ngư dân các tỉnh khác.


[Bộ Công an chỉ đạo lực lượng ứng phó với cơn bão số 4]

Sáng 25/7, vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có gió mạnh và mưa to do ảnh hưởng của bão số 4. Bộ đội Biên phòng trên tuyến biển đã phối hợp với các địa phương ven biển kêu gọi gần 1.900 phương tiện tàu, thuyền với khoảng hơn 12.000 lao động đang đánh bắt thủy sản trên biển vào bờ neo đậu để tránh bão.

Các Đồn Biên phòng cửa biển Thuận An, Tư Hiền phối hợp với các địa phương trong vùng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ không cho các tàu thuyền ra biển và hoạt động trên đầm phá để đề phòng các tình huống xấu; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các âu thuyền Phú Hải, Thuận An, Tư Hiền.

Chính quyền các vùng bãi ngang ven biển, ven đầm phá hướng dẫn nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình đang thi công trên địa bàn; sẵn sàng sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, ven biển, ngập lũ, lũ quét khi có lệnh của tỉnh; hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết.

Tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước trên địa bàn quản lý; triển khai phương án phòng chống lụt bão công trình.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát các vùng ở hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp và các công trình quan trọng khác có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phương án cảnh báo cho nhân dân biết để sẵn sàng ứng phó khi xả lũ.

Đới với các công trình đang thi công trong mùa mưa bão, khi có bão phải ngừng thi công, có phương án chằng chống đảm bảo an toàn. Ngoài kiểm tra an toàn hồ đập ở những hồ có dung tích lớn, tỉnh khẩn trương kiểm tra các trụ điện cao thế, hệ thống anten, các trạm BTS viễn thông, các biển quảng cáo, cây xanh có thể ảnh hưởng hạ tầng đô thị; thường xuyên cập nhật tình hình và cảnh báo theo từng loại hình thiên tai cho các ngành, địa phương và nhân dân để chủ động các phương án phòng ngừa, ứng cứu, tìm kiếm kịp thời.

Thành phố Huế tổ chức kiểm tra an toàn thi công hệ thống thoát nước thải tại 31 điểm của dự án cải thiện môi trường nước thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ yen, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng (trong đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 20,88 tỷ yen).

Tại các điểm thi công ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Đặng Huy Trứ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An... do đang trong quá trình tiến hành đào bới, lắp đặt ống cống, thành phố yêu cầu đơn vị thi công bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường nếu mưa to đường bị ngập lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục