Khả năng diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit?

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói rằng một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về Brexit là một “đề xuất mạch lạc” đáng được cân nhắc.
Khả năng diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit? ảnh 1Cờ EU (phải) và quốc kỳ Anh (trái, phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 6/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng cnn.com, một trong những bộ trưởng cấp cao nhất trong nội các của Thủ tướng Anh Theresa May đã đề xuất khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 để phá vỡ thế bế tắc Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh những lời “xì xầm” về tương lai của bà May và dự thảo thỏa thuận “ly hôn” của Anh với Brussels bị Quốc hội bác bỏ 2 lần đang lên tới đỉnh điểm.

Một ngày sau khi hàng trăm nghìn người tập hợp tại trung tâm thủ đô London để yêu cầu một cuộc bỏ phiếu công khai khác, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond nói rằng một cuộc trưng cầu ý dân lần hai - có thể là một trong những lựa chọn được đưa ra để các nghị sỹ xem xét trong những ngày tới - là một “đề xuất mạch lạc” đáng được cân nhắc.

Phát biểu của ông cho thấy một sự trái ngược rõ ràng với việc Thủ tướng May nhiều lần từ chối cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu lần thứ 2 về Brexit, và đánh dấu lần đầu tiên một bộ trưởng cấp cao trong nội các lên tiếng về khả năng này.

Bộ trưởng Hammond xác nhận rằng Quốc hội sẽ bỏ phiếu về một loạt lựa chọn thay thế Brexit trong tuần này, đồng thời thừa nhận rằng bà May khó có thể cứu vãn kế hoạch của bà, vốn bị các nghị sĩ bác bỏ 2 lần với tỷ lệ áp đảo.

[Thỏa hiệp một cách hợp lý - lựa chọn duy nhất cho Brexit]

Phát biểu với hãng Sky News, ông Hammond nói: “Tôi không chắc đa số nghị sỹ trong Quốc hội có ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 hay không, nhưng đó là một đề xuất rất mạch lạc... và nó đáng được cân nhắc cùng các đề xuất khác."

Các lựa chọn có thể bao gồm việc tiếp tục là thành viên trong thị trường chung EU hay liên minh thuế quan, tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần 2, thiết lập một thỏa thuận thương mại kiểu Canada hay một sự ra đi mà không có thỏa thuận nào.

Bà May vẫn chưa xác nhận liệu bà có đưa thỏa thuận Brexit của bà ra Quốc hội bỏ phiếu lần thứ 3 hay không, sau khi đề xuất của bà bị bị bác bỏ trong 2 lần bỏ phiếu trước đó với cách biệt trong mỗi lần lần lượt là 230 phiếu và 149 phiếu. Nếu đề xuất của bà được thông qua, sự trì hoãn Brexit sẽ được kéo dài đến ngày 22/5 để cho phép Quốc hội có thời gian ban hành dự luật cần thiết.

Tuy nhiên, một kết quả thất bại được dự đoán sẽ đẩy Anh vào cuộc “đối đầu” với EU, bởi bất kỳ một giải pháp thay thế khác, thay vì một sự ra đi mà không có thỏa thuận nào, sẽ đòi hỏi chính phủ phải tìm cách gia hạn Brexit và có khả năng buộc Anh phải tham gia vào các cuộc bầu cử EU vào tháng Năm tới.

Bà May đối mặt với cuộc “đảo chính” từ trong nội các

Khả năng bà May vẫn ở lại nhiệm sở để chứng kiến các chiến lược Brexit khác được thông qua đang ngày càng bị đặt câu hỏi.

Tờ Sunday Times đưa tin 11 bộ trưởng trong nội các - gần một nửa bộ trưởng cấp cao trong chính phủ - sẽ đối đầu với bà May bằng một tối hậu thư, yêu cầu bà phải từ chức để đổi lấy sự ủng hộ dành cho Thỏa thuận ra đi của bà.

Sunday Times đưa tin rằng “phó tướng” và cũng là đồng minh thân cận của bà - ông David Lidington - đang được sắp xếp để tiếp quản vị trí thủ tướng, trong khi tờ The Mail nói rằng Bộ trưởng Môi trường Michael Gove là “lựa chọn được nhất trí” cho vị trí này.

Tin đồn ngày một gia tăng khi George Freeman, một nghị sỹ đảng Bảo thủ và từng là cố vấn chính sách cho bà May, viết trên Twitter tối 23/3 rằng mọi thứ đã “chấm dứt” với bà May.

Tuy nhiên, tình trạng không chắc chắn về vai trò của chính phủ trong tiến trình Brexit nếu họ phải chứng kiến kế hoạch của bà May bị bác bỏ lần thứ 3 đã củng cố quan điểm cho rằng bà May có thể bị gạt ra ngoài lề, và củng cố thêm những lời kêu gọi cho một giải pháp thay thế.

Các nhà tổ chức tuần hành cho biết 1 triệu người đã diễu hành khắp London để yêu cầu một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 hôm 23/3, và 5 triệu người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính phủ rút lại Điều khoản 50 và hủy bỏ tiến trình Brexit.

Những lời kêu gọi về cái gọi là “Cuộc bỏ phiếu của Nhân dân” có thể mang đến “phao cứu sinh” cho thỏa thuận Brexit của bà May, với việc một số nhân vật đối lập cấp cao nói rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch này nếu sau đó người dân được tham gia cuộc trưng cầu ý dân xác nhận kết quả.

Phát biểu trước những người biểu tình hôm 23/3, Phó Chủ tịch Công đảng Tom Watson nói: “Tôi sẽ giúp các bạn bước vào tiến trình này để ngăn chặn sự ra đi mà không có thỏa thuận nào. Nhưng tôi sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ cho một thỏa thuận ra đi nếu người dân cũng được bỏ phiếu về thỏa thuận đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục