Khắc phục sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng cho ngư dân Bình Định

Ngày 24/5, chuyên gia của Dosan sẽ về Bình Định và đại diện Mitshubishi đã cam kết sẽ đến địa phương này, xuống các tàu kiểm tra máy tàu, làm việc với chủ tàu để tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng.
Khắc phục sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng cho ngư dân Bình Định ảnh 1(Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)

Ông Bùi Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an), cho biết đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành cơ bản việc sửa chữa 4 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định.

Đây là những con tàu đã được chủ tàu kiến nghị về tình trạng vỏ tàu, máy móc, trang thiết bị trên tàu trục trặc, hư hỏng sau khi đưa vào vận hành.

Cụ thể, ngày 10/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Đình có báo cáo về tình hình hư hỏng và sửa chữa, bảo hành tàu vỏ thép theo kiến nghị của ngư dân, trong đó có 4 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu có trụ sở tại Hải Phòng đóng mới. 4 tàu có các lỗi sau: thân vỏ tàu bị ri sét, hà bám nhiều; máy chính, máy điện của các tàu này đều bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt.

Ngay sau khi nhận được thông tin của chủ tàu thông báo về các sự cố trên tàu, Công ty Nam Triệu cử lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật giỏi cùng chuyên gia của hãng máy xuống hiện trường trực tiếp cùng chủ tàu kiểm tra, lập biên bản, xác định nguyên nhân, tiến hành sửa chữa, khắc phục các sự cố với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bà con ngư dân sớm đưa tàu hoạt động trở lại.

[Nghịch lý tàu vỏ sắt “thắt” hành trình mưu sinh của ngư dân]

Toàn bộ chi phí sửa chữa, bảo hành do đơn vị cung ứng máy và Công ty Nam Triệu chi trả. Ngoài ra, Công ty Nam Triệu còn hỗ trợ ngư dân một phần chi phí, đề nghị với ngân hàng thực hiện chính sách điều chỉnh lịch trả nợ hỗ trợ ngư dân trong thời gian tàu sửa chữa và do thiên tai, bão lũ.

Công ty Nam Triệu cũng đã thành lập một tổ sửa chữa, bảo hành tàu thường trực tại Bình Định để đảm bảo việc nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện khi các tàu vươn khơi trở về.

Để xác định lỗi của máy tàu, 2 công ty cung ứng máy là Dosan (Hàn Quốc) và Mitsubishi (Nhật Bản) sẽ về Bình Định sớm nhất.

Cụ thể, ngày 24/5, chuyên gia của hãng máy Dosan sẽ về Bình Định và đại diện của Công ty Mitsubishi cũng đã cam kết sẽ đến địa phương này, xuống các tàu kiểm tra máy tàu, làm việc với chủ tàu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây hư hỏng và đưa ra các giải pháp tiếp theo.

Về trục trặc của 4 tàu vỏ thép, theo nhận định ban đầu có thể do ngư dân trước đây sử dụng tàu công suất nhỏ, phương tiện thô sơ nên khi tiếp nhận tàu mới việc vận hành chưa thành thạo và theo kinh nghiệm trước kia nên dẫn đến hư hỏng.

Chẳng hạn, đối với việc trực máy tàu phải bố trí người trông 24/24 giờ nhưng có tàu không có người trông nên nước ngập máy tàu dẫn đến hỏng máy phát điện, máy bơm điện.

Bên cạnh đó, có tàu dùng nhiên liệu không rõ nguồn gốc, nhiều cặn trong khi máy hiện đại rất "kén" nguyên liệu. Các quy trình bảo dưỡng, sử dụng cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ.

Theo báo cáo của Công ty Nam Triệu, đơn vị đã thực hiện đóng mới 25 tàu cá và tàu hậu cần nghề cá cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Định (trong đó đóng cho tỉnh Bình Định 20 tàu) theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.

Các chủ tàu không dùng 21 bản thiết kế được ​Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố mà sử dụng bản thiết kế tàu của đơn vị thiết kế, do đó ngư dân phải trả khoản tiền này.

Các công việc khác, Công ty Nam Triệu thực hiện đầy đủ các quy định, quy phạm đóng tàu cá, có sự kiểm tra giám sát, nghiêm ngặt, chặt chẽ của Trung tâm đăng kiểm tàu cá và chủ đầu tư.

Vật tư, chủng loại, thiết bị lắp đặt trên tàu đầy đủ và đúng theo dự toán, thiết kế và hợp đồng. Vật tư chính của tàu là thép (tôn) của Hàn Quốc, sơn của Mỹ và máy chính của tàu do 2 hãng máy Mitsubishi Nhật Bản và Dosan Hàn Quốc cung ứng.

Trước khi bàn giao tàu, Công ty Nam Triệu và các đơn vị liên quan đã hướng dẫn ngư dân cẩn thận, chi tiết và cử chuyên gia đi cùng ngư dân để đưa tàu từ Hải Phòng về Quảng Ngãi.

Đại diện Công ty Nam Triệu cho biết để tàu vận hành tốt nhất, bà con ngư dân cần tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn và bảo dưỡng theo quy định. Cần tham gia đầy đủ các buổi học tập, hướng dẫn do đơn vị cung ứng tàu tổ chức.

Sau khi bàn giao tàu, Công ty Nam Triệu đã mở thêm 2 buổi tập huấn để bảo dưỡng, vận hành tàu, nhưng không có ngư dân nào tham dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục