Khắc phục sự “dễ làm khó bỏ” trong xây dựng luật

Đại biểu đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng “dễ làm, khó bỏ” trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Thảo luận tại tổ sáng 4/6 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, đa số các đại biểu đều đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng “dễ làm khó bỏ” trong thực hiện Chương trình; đồng thời quan tâm tập trung hơn những dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng, bức xúc của đời sống xã hội.

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, còn những mặt cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm như việc đảm bảo tiến độ, chất lượng; công tác chuẩn bị; phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo….

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, hiện nay trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn tồn tại tư tưởng cục bộ, làm lợi cho ngành dẫn tới tình trạng phình to bộ máy, “thất nghiệp công sở” do đặt ra quá nhiều những vị trí thừa, không có việc gì làm.

Đại biểu đề nghị, việc xây dựng luật phải thực hiện trên tinh thần vì lợi ích chung cho cả đất nước. Nhiều dự án chậm so với kế hoạch, chương trình đề ra nhưng chưa có ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm; làm luật theo kiểu tùy tiện, kịp thì trình, không kịp thì thôi; rút dự án mà không cần có lý do. Theo đại biểu, ít nhất cũng phải nêu tên những ai, những cơ quan nào không hoàn thành nhiệm vụ trước Quốc hội.

Góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, đại biểu Hồ Quốc Dũng băn khoăn, đất đai là lĩnh vực hiện có nhiều vướng mắc, nhưng Luật đất đai (sửa đổi) đến cuối năm 2011 mới được Quốc hội cho ý kiến là quá chậm.

Ông đặt vấn đề việc sửa đổi nhiều luật khác được chia nhỏ ra, làm từng phần (ví dụ Luật Giáo dục), tại sao không áp dụng với bộ luật lớn là Luật Đất đai. Có thể tách lĩnh vực bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thành 1 luật riêng để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

"Ôm đồm cả 1 bộ luật, mỗi lần sửa rất khó,” đại biểu chia sẻ. Đại biểu Hồ Quốc Dũng cũng cho rằng cần ưu tiên hơn tới những vấn đề bức xúc của đất nước trong quá trình xây dựng pháp luật, không để những vấn đề thiết yếu cứ trôi qua năm này đến năm khác.

Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đánh giá công tác chuẩn bị nhiều dự án khá tốt, tuy nhiên còn có nhiều dự án phải lùi thời hạn trình do chuẩn bị chưa tốt, trách nhiệm thế nào, của ai, chưa rõ? Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo; trách nhiệm cơ quan thẩm tra; vai trò đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng còn hạn chế, chưa đầy đủ.

Công tác xây dựng luật còn tốn kém và chưa thực sự hiệu quả trong khi đó luật ban hành ra đi vào cuộc sống còn khó khăn. Một phần nguyên nhân là do Nghị định hướng dẫn chưa tốt, chưa nghiêm túc, không ít Nghị định “chép” gần giống như dự thảo luật.

Với góc nhìn của một người đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Văn Chiến (Lai Châu) cho rằng cần công bằng hơn trong đánh giá. Theo đại biểu, trước đây, công tác thẩm tra thường gặp khó khăn do thời gian quá gấp rút nhưng nay, công tác phối hợp giữa các ủy ban, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tốt hơn, sớm hơn, tạo điều kiện để các ủy ban có những thẩm tra đảm bảo chất lượng. Các dự án trình cũng đảm bảo chất lượng hơn, nội dung kỹ hơn, thời gian trình sớm hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Văn Chiến cũng băn khoăn khi nhiều luật về các vấn đề quan trọng, bức xúc hiện nay đang phải xếp lại hết năm nọ đến năm kia trong khi đất nước đang hội nhập, đang ở thời kỳ phát triển quan trọng trong bước chuyển mình trở thành nước công nghiệp.

Những luật cần thiết cho phát triển kinh tế-xã hội như đất đai (sửa đổi), ngân sách, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm tiền gửi liên tục bị hoãn hoặc lùi thời hạn trình. Theo đại biểu, có một thực tế là “dễ làm khó bỏ” trong xây dựng pháp luật. Một dự án rất bức thiết là Luật đất đai (sửa đổi) là một ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nêu ý kiến cũng cần có sự thông cảm với Chính phủ và căn cứ vào thực tiễn thể chế của Việt Nam trong khi đánh giá về việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tuy thế, đại biểu cũng đồng tình đề nghị chỉ nên rút dự án luật trong trường hợp bất khả kháng và có giải trình rõ lý do hợp lý, tránh tình trạng cứ đưa vào chương trình xem xét rồi lại rút ra, gây bị động cho Quốc hội; đánh giá sâu sắc lại khâu soạn thảo; nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm “giữ cửa” của Bộ Tư pháp trong thẩm định các dự án.

Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn đề nghị ưu tiên cho những luật có tính chất xã hội bức xúc, nhân dân mong mỏi chứ không nên chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan công quyền; dễ thì làm, khó là bỏ, ví dụ đất đai, khiếu nại tố cáo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Bình Phước) và nhiều đại biểu, những vấn đề đặt ra cho thấy tính pháp lý của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần thiết phải mạnh mẽ hơn, có chế tài xử lý hoặc quy được trách nhiệm cụ thể khi không đảm bảo tiến độ, chất lượng của Chương trình. Bên cạnh làm luật mới cũng cần chú ý tới việc đánh giá những luật đã ban hành; đề ra được những giải pháp mới để khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.

Làm rõ hơn các tiêu chí về dự án, công trình quan trọng

Cũng trong sáng 4/6, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ý kiến của các đại biểu ở những tổ phóng viên tham gia chủ yếu xoay quanh các tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) nêu thực tiễn địa phương vướng một số điểm do tiêu chí chưa rõ. Ví dụ đối với các dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tiêu chí rừng phòng hộ đầu nguồn từ 200ha trở lên là tính cho 1 dự án hay cho 1 vùng, 1 khu vực, từ đó liên quan đến việc có trình hay không phải trình Quốc hội? Đại biểu cho rằng, nếu xác định tiêu chí không rõ, có thể dẫn đến tình trạng xé lẻ dự án.

Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) cũng đề nghị bổ sung tiêu chí các công trình dự án sử dụng đất trồng lúa để tránh tình trạng xé lẻ dự án như hiện nay, mất rất nhiều đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài phải bổ sung thêm 1 tiêu chí là tính an toàn, ổn định của dự án; đảm bảo tính chặt chẽ và an toàn đồng vốn nhà nước.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng, các tiêu chí về số vốn, ảnh hưởng môi trường, số dân tái định cư… đều là những tiêu chí quan trọng để xác định công trình, dự án quan trọng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chỉ cần 1 tiêu chí đã có thể xác định được. Ví dụ có những dự án, công trình chưa cần đến số vốn 35.000 tỷ USD nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, giao thông thì vẫn phải xét là công trình dự án quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Kim Hồng cũng đề nghị cần bổ sung thêm tiêu chí đối với các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài. Nếu đặt vấn đề thẩm tra, cũng phải xem xét có đủ điều kiện để giám sát thực tế ở đó không khi mà lực lượng các Ủy ban còn khiêm tốn./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục