Khắc phục "thẻ vàng" IUU tại Khánh Hòa: Không vì thành tích

Khánh Hòa đã thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định về IUU, nhờ đó ngư dân đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia khai thác hải sản trên biển.
Khắc phục "thẻ vàng" IUU tại Khánh Hòa: Không vì thành tích ảnh 1(Ảnh minh họa. Tuấn Kiệt/TTXVN)

Cuối tháng 10/2022, Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) đã sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 3 về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Khi đến kiểm tra thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, đoàn đã đánh giá địa phương này cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra của đoàn.

Đây là thành quả của sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của ngư dân trong vấn đề nói trên, sự vào cuộc quyết liệt cả hệ thống chính trị của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung nhằm đáp ứng các yêu cầu của IUU.

Bài 1: Không vì thành tích

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về để gỡ “thẻ vàng” diễn ra mới đây, các địa phương có “180 ngày hành động” để khắc phục những tồn tại, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Thủ tướng nhấn mạnh chống khai thác IUU cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, không chạy theo thành tích, quan liêu; tất cả phải vì lợi ích thực chất của người dân, đất nước để người dân thực sự tự giác thực hiện, tự giác hành động.

Tại tỉnh Khánh Hòa, 5 năm qua đã thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về IUU tại cảng cá, xã phường ven biển, khu vực có nghề cá trọng điểm cho chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng, chủ cơ sở hậu cần nghề cá. Cùng với đó, hướng dẫn ngư dân nắm biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để không vi phạm vùng biển nước ngoài... Nhờ vậy, ngư dân tỉnh Khánh Hòa đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia khai thác hải sản trên biển.

Đánh giá về việc giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Khánh Hòa vi phạm IUU, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, cho biết kết quả kiểm tra của Đoàn châu Âu tại cảng Hòn Rớ đã đáp ứng được yêu cầu kiểm tra về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ lưu tàu ra vào cảng... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phòng, chống IUU trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân nghi vấn vi phạm IUU đã được giảm thiểu. Đó là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp ngư dân chấp hành tốt các quy định khi khai thác trên biển, cũng như thực hiện các yêu cầu của chống khai thác IUU.

Ngư dân Cao Văn Thơ, sinh năm 1969, ngụ tại phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, có 3 tàu cá công suất lớn; trong đó 1 tàu composite dài 33m, 1 tàu 28m và 1 tàu công suất trên 200CV chuyên câu cá ngừ đại dương.

[Khắc phục thẻ vàng IUU: Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài]

Ông Cao Văn Thơ cho biết nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng EC," thời gian qua tàu ông cũng như nhiều ngư dân khác chỉ khai thác trên vùng biển Việt Nam. Bởi ngư dân hiểu rõ nếu xâm phạm vùng biển nước ngoài, EC không gỡ “thẻ vàng," thậm chí phạt “thẻ đỏ” thì ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản Việt Nam. Từ đó kéo theo ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập của ngư dân nếu như doanh nghiệp không xuất khẩu được.

Ngư dân Cao Văn Thơ chia sẻ: “Nhận thức về việc phải tháo gỡ thẻ vàng, ngư dân chúng tôi hiện chấp hành tốt các quy định khi tham gia khai thác trên biển như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ra vào cảng đều khai báo, ghi nhật ký khai thác đầy đủ và không xâm phạm lãnh thổ nước bạn. Do đó tôi cho rằng việc khắc phục thẻ vàng IUU không chỉ là ý thức của ngư dân một tỉnh mà ngư dân cả nước phải đồng lòng. Nhận thấy việc gỡ thẻ vàng là cần thiết và cấp bách đối với ngư dân chúng tôi."

Khắc phục "thẻ vàng" IUU tại Khánh Hòa: Không vì thành tích ảnh 2Ngư dân khai thác cá ngừ xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Phạm Cường/TTXVN)

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết từ năm 2018 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 245 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về IUU. Về quản lý tàu cá, tỉnh đã rà soát thống kê chính xác và cập nhập đầy đủ 3.199 tàu trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Đến nay, đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 3.184 tàu cá, đạt 99,5%.

Tất cả các tàu khi xuất bến đều phải khai báo Ban quản lý cảng trước, sau đó báo Văn phòng đại diện để tổ chức kiểm tra theo Thông tư 01/2022/TT-BNNPTN về việc Sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản Thông tư 01/TT-BNNPTNN của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Khi tàu vào cảng cũng được cơ quan chức năng kiểm soát theo đúng quy trình. Tại Khánh Hòa, trên 50% sản lượng khai tác được kiểm soát qua cảng.

Hiện Khánh Hòa có 4 cảng cá được công bố theo Luật Thủy sản, đó là Cảng Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, sản lượng qua cảng của các tàu cá cơ bản đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vương, Công ty CBXK F17, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Hưng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tín Thịnh…

Sản lượng thủy sản khai thác bình quân hàng năm đạt 96.000 tấn. Năm 2022 tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 97.800 tấn tăng 1.02 % so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục