Khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2009

Tối 13/6, tại bến đò Đập Đá, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Festival nghề truyền thống Huế 2009 với chủ đề "Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển" chính thức khai mạc.

Tối 13/6, tại bến đò Đập Đá, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Festival nghề truyền thống Huế 2009 với chủ đề "Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển" chính thức khai mạc.
 
Buổi lễ khai mạc đã diễn ra với màn văn nghệ chào mừng, múa “Cánh diều quê hương” do Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ biểu diễn.
 
Festival nghề truyền thống Huế 2009 diễn ra từ ngày 12 đến 14/6, có sự tham gia của 150 nghệ nhân của 12 làng nghề nổi tiếng trong cả nước như gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà (miền Bắc), Bầu Trúc (Ninh Thuận), Gọ (Bình Thuận), gốm Bình Dương, gốm Quảng Nam, gốm Phước Tích (Thừa Thiên-Huế), sơn mài Bình Dương, sơn mài Hạ Thái, sơn Mài và Pháp lam Huế, nhằm tôn vinh 3 nghề: gốm sứ, sơn mài và pháp lam.
 
Đây là lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần (vào năm lẻ) xen giữa các kỳ Festival Huế.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Phan Trọng Vinh nhấn mạnh, ý tưởng và mục tiêu của các kỳ Festival nghề truyền thống Huế là sáng tạo vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của Huế, thành phố Festival của Việt Nam.
 
Festival nghề lần này không chỉ là một cuộc hội tụ, biểu dương lực lượng lớn của các nghề và làng nghề mà còn gắn liền với sự kiện cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba vừa tròn 110 năm tuổi. Đây cũng là dịp chính thức công bố và ra mắt “Hội áo dài” tại thành phố Huế nhằm góp phần bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa một bộ phận di sản đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt.
 
Cùng ngày, làng nghề Gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng di tích cấp quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục