Khai mạc hội nghị thường niên ban lãnh đạo ADB

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của hầu hết 67 nước thành viên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tham dự Hội nghị thường niên Ban lãnh đạo ADB lần thứ 42, khai mạc ngày 4/5 tại Bali (Indonesia).

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của hầu hết 67 nước thành viên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tham dự Hội nghị thường niên Ban lãnh đạo ADB lần thứ 42, khai mạc ngày 4/5 tại Bali (Indonesia).
 
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhono đánh giá hội nghị là "một trong những sự kiện quan trọng nhất" trong lịch sử ADB, được tiến hành trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Ông Susilo tuyên bố hội nghị nhằm chứng tỏ khả năng của ADB sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, và cũng chứng minh với thế giới rằng "cuộc khủng hoảng không làm ADB suy yếu mà ngược lại, đang giúp thể chế này hoạt động hiệu quả hơn".
 
Ông nhấn mạnh trong nhiều năm qua, châu Á - Thái Bình Dương đã luôn đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế. Bất chấp khó khăn hiện nay, ADB ước tính trong năm 2009, tăng trưởng của khu vực này sẽ đạt 3,9% và có thể lên tới 6% trong năm 2010, giúp châu Á - Thái Bình Dương duy trì vị trí là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
 
Hội nghị Ban lãnh đạo ADB được tiến hành một ngày sau khi ASEAN và ba nước Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đạt được thỏa thuận thành lập quỹ dự trữ ngoại tệ khẩn cấp của khu vực trị giá 120 tỷ USD - động thái được đánh giá là bước tiến lớn trong nỗ lực hợp tác tài chính của các nền kinh tế châu Á.
 
Trước đó bốn ngày, Ban lãnh đạo ADB cũng đã nhất trí tăng gấp ba vốn cơ cở, từ 55 tỷ USD lên tới 165 tỷ USD, giúp nâng cao khả năng của ngân hàng trong hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Theo kế hoạch, tại hội nghị thường niên lần thứ 42, các đại biểu sẽ chính thức thông qua quyết định tăng vốn này.
 
ADB thành lập năm 1966, có 67 nước thành viên, trong đó 48 nước thuộc khu vực châu Á. Mục tiêu của ADB là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, phát triển môi trường bền vững và tăng cường hội nhập khu vực ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục