Khai mạc Khoá họp thứ 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Các vấn đề được quan tâm thảo luận tại Khóa 30 là tình hình người di cư, tị nạn trên thế giới, phát triển bền vững, quyền tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường...
Khai mạc Khoá họp thứ 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ảnh 1Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Ngày 14/9 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc Khoá họp 30 với sự tham dự của Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người, Hoàng thân Jordan Zeid Ra’ad Al Hussein, bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao một số nước cùng đại sứ, trưởng phái đoàn 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và hơn 100 nước quan sát viên và đại diện nhiều cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ về quyền con người.

Báo cáo với Hội đồng Nhân quyền về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới gần đây, Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Zeid Ra’ad Al Hussein cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong năm đầu đảm nhiệm cương vị này; đồng thời nhấn mạnh các nước cần tiếp tục hợp tác hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, nhất là liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư ở Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu.

Trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền, ông Al Hussein mong các nước thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ cập (UPR), tăng cường hợp tác với các cơ chế quyền con người của Liên hợp quốc, trong đó có các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.

Theo khuyến nghị của ông Al Hussein, các nước cũng cần quan tâm đến Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững 2030 của Liên hợp quốc, cũng như các vấn đề toàn cầu khác, trong đó có biến đổi khí hậu, đói nghèo… trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách về quyền con người.

Tại phiên họp khai mạc, một số nước, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã có phát biểu nêu các quan tâm đa dạng về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nổi lên có các quan tâm về bảo vệ thường dân, đặc biệt là những người phải di cư, tị nạn từ các cuộc xung đột vũ trang hoặc các hoạt động khủng bố.

Các nước, nhất là các nước đang phát triển, thành viên Phong trào Không liên kết cũng tỏ mong muốn Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người phát huy vai trò năng động, tích cực phù hợp với chức năng nhiệm vụ, mong muốn Cao ủy và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về quyền con người tăng cường hợp tác và minh bạch thông tin với các nước thành viên.

Khoá 30 Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục làm việc đến ngày 2/10, xem xét 70 báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc liên quan, tổ chức 6 Cuộc làm việc chuyên đề, trong đó có một cuộc lần đầu tiên được tổ chức về tình hình nhân quyền tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cùng các đối thoại với gần 20 cơ chế và Thủ tục đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền con người, xem xét thảo luận và ra quyết định đối với hơn 40 dự thảo nghị quyết/quyết định trên nhiều vấn đề quyền con người khác nhau.

Các vấn đề được quan tâm nhất tại Khóa 30 là tình hình người di cư, tị nạn trên thế giới, phát triển bền vững, quyền tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, án tử hình, ma túy… cũng như một số tình hình tại các nước cụ thể như Triều Tiên, Ukraine, Sri Lanka, Syria, Sudan.

Đoàn Việt Nam dự Khóa 30 do Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (Geneva) làm Trưởng đoàn.

Khóa họp này đánh dấu hoàn thành năm thứ hai Việt Nam làm thành viên một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong nhiệm kỳ 3 năm 2014-2016 tại cơ quan trung tâm về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc này.

Hiện nay Đại sứ, Trưởng đoàn Việt Nam cũng đang đảm nhiệm vai trò đồng điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng Nhân quyền năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục