Khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh

Tại kỳ họp, HĐND TP.Hồ Chí Minh sẽ lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với một số cán bộ lãnh đạo do HĐND thành phố bầu.
Ngày 10/7, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã khai mạc kỳ họp thứ 10.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải tham dự phiên khai mạc kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 4 ngày làm việc (từ 10-13/7), Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng như xem xét và đánh giá thực hiện kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm; Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Hội đồng Nhân dân thành phố về công tác lập và thực hiện việc quy hoạch quản lý đô thị trên địa bàn thành phố; Nghe báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 7 đến nay;

Xem xét báo cáo của thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền thành phố 6 tháng đầu năm 2013 và những kiến nghị; Chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét các Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố và xem xét một số vấn đề quan trọng khác…

Đặc biệt, trong kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với một số  cán bộ lãnh đạo do Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 bầu nhằm đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của nhân dân.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm công khai, công bằng, khách quan, đánh giá thực chất đúng việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ trong hệ thống chính trị, bà Nguyễn Thị Quyết tâm cho rằng mỗi đại biểu Hội đồng Nhân dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, thận trọng và việc thực hiện phải minh bạch và đúng pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ 5 vấn đề Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung tại kỳ họp này.

Đó là, Hội đồng Nhân dân cần thảo luận và nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; Bám sát những nhiệm vụ chủ yếu của thành phố, khắc phục ngay những yếu kém, chậm trễ trong 6 tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm của thành phố rất nặng nề, trung bình mỗi ngày làm việc thành phố phải thu được 1.000 tỷ đồng, mỗi tháng bình quân thu hơn 20.000 tỷ đồng, do vậy cần phải tăng cường các biện pháp quản lý thu-chi ngân sách; quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế….

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, các ngành của Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy phong cách lãnh đạo hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thống nhất nhận thức tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhất trí cao, sự đồng thuận của nhân dân thành phố trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh trên địa bàn…

Đối với nội dung quan trọng là đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung quan trọng của Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là lần đầu tiên và cũng từ đây, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ trở thành một trong những nội dung quan trọng, thường niên của Hội đồng Nhân dân các cấp. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi mỗi đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiêm, thật sự vì sự nghiệp chung. Việc xem xét, đánh giá những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm phải hết sức thận trọng, công tâm, khách quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng đơn vị huyện, quận, phường thực hiện thí điểm nhiều nhất trong 10 tỉnh, thành phố thí điểm. Vì vậy, Hội đồng Nhân dân thành phố cần tổng kết, đánh giá khách quan, đúng thực tế nhằm góp phần giúp Quốc hội có cơ sở đánh giá, quyết định chính xác về mô hình tổ chức chính quyền địa phương khi xem xét, thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân thành phố cần tiếp tục phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận và ra quyết định; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát và tiếp xúc cử tri, khắc phục tính hình thức; chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Tại phiên khai mạc kỳ họp, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân thành phố còn trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét 12 Tờ trình gồm các nội dung: Tăng mức hỗ trợ đối với cán bộ có Bằng đại học và cao đẳng đang công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trong giai đoạn 2011-2015; Quy định một số mức chi cụ thể cho công tác tiếp dân; Quy định mức chi cho việc giải quyết thủ tục hành chính; Ban hành chính sách khuyến khích hỏa táng nhằm tiết kiệm đất đai và chi phí, bảo vệ môi trường; Tổ chức thu phí tại khu vực cầu Bình Triệu 1; Ban hành quy định mức phí qua đò bến khách ngang sông…

Trong đó, tờ trình được đặc biệt quan tâm là thực hiện quy định của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015 trên địa bàn thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân không còn phù hợp do giá cả tăng cao, chưa tạo động lực để các trường nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo... Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất mức học phí từ năm học 2013-2014 tăng từ 3-4 lần so với hiện nay./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục