Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam tại thành phố biển Saint-Malo

Trong sáu ngày, từ 1 đến 6/7, liên hoan phim Việt Nam tại Pháp trình chiếu 15 bộ phim như “Chơi vơi,” “Mùi đu đủ xanh,” “Mùa Hè chiều thẳng đứng"...
Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam tại thành phố biển Saint-Malo ảnh 1Dàn sao Việt Nam có mặt tại Liên hoan phim. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014, Liên hoan phim Việt Nam đã khai mạc trọng thể tối ngày 3/7 tại Cung Đại hội tại trung tâm thành phố biển Saint-Malo, Tây Bắc nước Pháp.

Liên hoan có sự góp mặt đông đảo của lãnh đạo ngành điện ảnh, các đạo diễn, các nhà sản xuất, các diễn viên và công chúng yêu điện ảnh hai nước Việt Nam và Pháp.

Trong sáu ngày, từ 1 đến 6/7, liên hoan phim trình chiếu 15 bộ phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình.

Những bộ phim được lựa chọn để trình chiếu gồm “Chơi vơi,” “Mùi đu đủ xanh,” “Mùa Hè chiều thẳng đứng,” “Đông Dương,” “Khát vọng Thăng Long,” “Mùi cỏ cháy.”

Ngoài các bộ phim dự thi, liên hoan còn trình chiếu hai bộ phim về đề tài lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là phim “Điện Biên Phủ” của cố đạo diễn nổi tiếng người Pháp Pierre Schoendoerffer và phim “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Hai hội thảo về các chủ đề điện ảnh và du lịch Việt Nam cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ liên hoan phim.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Régine Petit, Chủ tịch Liên hoan phim Việt Nam tại Saint-Malo, cho biết sự kiện này cho phép công chúng Pháp khám phá nền điện ảnh Việt Nam, đồng thời là dịp để tăng cường trao đổi và mở rộng hợp tác giữa nền điện ảnh hai nước Việt-Pháp.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam, đã bày tỏ niềm vinh dự khi điện ảnh Việt Nam được quảng bá tại Pháp, một trong những nước có nền điện ảnh phát triển và hy vọng rằng thông qua sự kiện này, công chúng Pháp sẽ hiểu thêm về nền đất nước Việt Nam, về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam được phản ánh thông qua lăng kính của các nhà làm phim.

Bà cũng cho rằng đây là cơ hội vô cùng quý giá để các đạo diễn, các nhà sản xuất, các diễn viên giữa hai nước có cơ hội trao đổi, đối thoại chuyên môn, và tin tưởng rằng liên hoan phim sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn giữa ngành điện ảnh hai nước trong thời gian tới.

Bà cũng nhắc lại những bộ phim lớn của Pháp được thực hiện tại Việt Nam như “Điện Biên Phủ” của đạo diễn Schoendoerffer, “Đông Dương” của đạo diễn Régis Wargnier, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Pháp và Việt Nam.

Ban giám khảo của liên hoan gồm những gương mặt có uy tín trong nền điện ảnh Pháp với đạo diễn Régis Wargnier làm Chủ tịch cùng các đạo diễn và diễn viên nổi tiếng như Claude Lelouch, Chantal Lauby, Michel Creton, Julie Ferrier, Rachida Brakni.

Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam tại thành phố biển Saint-Malo ảnh 2Ban giám khảo Liên hoan phim. Ông Régis Wargnier (đứng thứ 3 từ trái sang) - đạo diễn phim "Đông Dương" là Chủ tịch Ban giám khảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Ban giám khảo sẽ lựa chọn và trao sáu giải gồm Giải thưởng lớn, Giải của Ban giám khảo, Giải của công chúng, Giải phim tài liệu hay nhất, Giải diễn viên nữ xuất sắc nhất, Giải diễn viên nam xuất sắc nhất.

Bên lề sự kiện, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Đối với nhiều bạn bè quốc tế, điện ảnh Việt Nam chủ yếu nói về đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, với những bộ phim được trình chiếu trong đợt này, khán giả Pháp sẽ thấy điện ảnh Việt Nam đề cập đến những vấn đề hết sức đa dạng như xã hội hiện đại, giới trẻ, các đề tài mang tính giải trí."

Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Saint-Malo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm giới thiệu các bộ phim của Việt Nam với công chúng nước ngoài, mà còn là một hình thức để điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Các nội dung trao đổi với giới chuyên môn Pháp, các phản ứng của công chúng và báo chí Pháp tại liên hoan này sẽ là những chất liệu để các nhà quản lý, các đạo diễn, nhà làm phim Việt Nam suy ngẫm, tìm tòi cách thể hiện tốt hơn bản sắc văn hóa và con người Việt Nam thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Nhờ đó các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam có thể đến được với khán giả quốc tế và có được sự thông hiểu, chia sẻ nhiều hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu của bất kỳ nền điện ảnh nào đang trên con đường phát triển và hội nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục