Khai mạc phiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp 37, UBTV Quốc hội cho ý kiến về xây dựng hệ thống pháp luật, thông qua nghị quyết về ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII.
Sáng 4/1, tại Hà Nội,  phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiểm toán độc lập; Luật Cơ yếu, Luật Thủ đô; Luật Biển Việt Nam.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét, thông qua Nghị quyết công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; cho ý kiến về một số nội dung như chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII; việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2010; phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011; tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.

Sau phần khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày đã nêu bật những kết quả cơ bản đạt được qua triển khai kế hoạch 900, đó là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với yêu cầu trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quy trình xây dựng luật, pháp lệnh có những đổi mới quan trọng; việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thời gian quan đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng cơ chế huy động trí tuệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…

Báo cáo cũng đã phân tích những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong các lĩnh vực về xây dựng và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; chất lượng văn bản luật, pháp lệnh; thực hiện các định hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật...

Báo cáo đã nêu lên nhu cầu, định hướng và giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020, đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật gồm, đổi mới việc lập và thông qua Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật.

Nhu cầu, định hướng và giải pháp nâng cao cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật sẽ tập trung về tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp…

Tại phiên khai mạc kỳ họp, các đại biểu đã cho các ý kiến thảo luận về báo cáo. Đa số các ý kiến tán thành với đánh giá về những kết quả cơ bản đã đạt được qua tổ chức triển khai Kế hoạch 900. Một số ý kiến đề nghị cần xác định hiện nay hệ thống pháp luật đang nằm ở đâu, ở vị trí nào; đã kết thúc giai đoạn xây dựng hay chưa; nếu vẫn trong giai đoạn xây dựng thì bao nhiêu năm nữa xong để chuyển sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cần phải trả lời được những câu hỏi này để xác định trong thời gian tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ theo hướng nào?.

Tán thành với những kiến nghị của Ban chỉ đạo sơ kết, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị cần có Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" để từ đó có kết luận cụ thể cho việc điều hành trong thời gian tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục