Khai mở những hồi ức về “Huyền thoại con đường tiền tệ”

Lần đầu tiên trên truyền hình có một chương trình mang tên “Huyền thoại con đường tiền tệ” được thể hiện xuyên suốt thông qua những tư liệu, hồi ức về hoạt động tài chính ngân hàng thời chiến.
Khai mở những hồi ức về “Huyền thoại con đường tiền tệ” ảnh 1Quang cảnh họp báo truyền hình trực tiếp giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại con đường tiền tệ”. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Chiều 13/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại con đường tiền tệ” vào ngày 17/4/2015 tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình được phát sóng trên HTV9, VTV1 vào lúc 20 giờ 30 và một số đài địa phương trong khu vực nhằm chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và 64 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2015).

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ trước đến nay, hoạt động tài chính ngân hàng trong thời kỳ chiến tranh ít được công chúng biết tới. Để khai mở những bí mật này, lần đầu tiên trên truyền hình có một chương trình mang tên “Huyền thoại con đường tiền tệ” được thể hiện một cách xuyên suốt thông qua những tư liệu, hồi ức và những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1964-1975), song hành cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, đội quân đặc biệt tinh nhuệ của Ngân hàng Việt Nam đã tạo nên một “ Con đường tiền tệ” hết sức sáng tạo và hiệu quả.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt thô sơ, tốn kém sau đó các cán bộ chiến sĩ ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản mặc dù còn muôn ngàn khó khăn ở thời điểm đó. Phương thức này sẽ giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.

Bên cạnh đó, một đường dây bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ từ bạn bè quốc tế. Sau 10 năm hoạt động bí mật và liên tục, đến tháng 4-1975, các chiến sĩ ngân hàng đã chi viện cho miền Nam khoảng 1 tỷ USD, hàng tỷ tiền chế độ Sài Gòn cũ và một khối lượng lớn tiền tệ Campuchia, Lào, Thái Lan...

Tất cả số tiền viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu. Những cống hiến của các cán bộ chiến sĩ ngành Ngân hàng tuy thầm lặng, gian khổ nhưng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau giải phóng, “ Con đường tiền tệ” vẫn được tiếp tục, góp phần đưa Việt Nam từ một nước lạc hậu nghèo nàn sau chiến tranh trở thành một nước có thu nhập trung bình và phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục