Khai quật khu thương cảng sầm uất nhất trong lịch sử Bình Định

Sự có mặt của một số lượng lớn đồ gốm sứ thời Minh, Thanh (Trung Quốc) và gốm sứ Hizen (Nhật Bản) là những chứng cứ chân thực về tính chất thương mại sầm uất của thương cảng Thị Nại-Nước Mặn.
Khai quật khu thương cảng sầm uất nhất trong lịch sử Bình Định ảnh 1Thương cảng Thị Nại ngày nay. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ngày 22/7, tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã diễn ra cuộc họp báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học thương cảng Thị Nại-Nước Mặn.

Đây từng là thương cảng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu mối quan hệ trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn minh Đông Nam Á và Phương Tây, thông qua tuyến giao thương quốc tế trên Biển Đông.

Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định thực hiện.

Thạc sỹ Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học) - người chủ trì cuộc khai quật, cho biết tuy diện tích khai quật lần này chưa lớn nhưng lực lượng chức năng đã phát hiện được những di tích, di vật có giá trị cho việc tìm hiểu và đánh giá giá trị chung cho toàn bộ khu di tích. Đó là dấu vết móng cột, chân tảng, nền kiến trúc, bếp, cùng một số lượng di vật khá phong phú và đa dạng về loại hình.

Bước đầu, các nhà khảo cổ cho rằng đây là một khu thương cảng rất rộng lớn, nhộn nhịp, những di tích phát hiện được có niên đại khoảng thế kỷ 18-19. Di vật có niên đại trải dài trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, tập trung trong thế kỷ 17-18.​

Sự có mặt của một số lượng lớn đồ gốm sứ thời Minh, Thanh (Trung Quốc) và gốm sứ Hizen (Nhật Bản) là những chứng cứ chân thực về tính chất thương mại sầm uất của khu di tích này.

Sau khi khai quật, nghiên cứu tại 4 hố thám sát, đoàn khảo cổ đã thu được 789 mảnh di vật thuộc nhóm vật liệu kiến trúc, 4.844 mảnh đồ gốm sứ, 2.823 mảnh sành và 12 hiện vật kim loại gồm tiền xu và các dụng cụ khác.

Theo các nhà khảo cổ, thương cảng này có tên gọi đầu tiên là Thị Nại, sau chuyển thành thương cảng Nước Mặn, là một thương cảng có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế trong lịch sử của tỉnh Bình Định nói riêng và toàn khu vực nói chung.

Những kết quả khai quật ban đầu cho thấy tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học vùng đất này còn rất lớn, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục