Khai quật rừng tháp Phật giáo nghìn năm

Một rừng tháp Phật giáo có cách đây khoảng 1.000 năm vừa được khai quật tại một khu vực ở phía Nam thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc. Theo Sở Văn vật thành phố Bắc Kinh, cụm kiến trúc này gồm 25 tháp Phật giáo nên được gọi là rừng tháp.

Một rừng tháp Phật giáo có cách đây khoảng 1.000 năm vừa được khai quật tại một khu vực ở phía Nam thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc. Theo Sở Văn vật thành phố Bắc Kinh, cụm kiến trúc này gồm 25 tháp Phật giáo nên được gọi là rừng tháp.

Đây là nơi thờ cúng hoặc cất giữ xá lị Phật, tượng Phật, kinh Phật, thi hài nhà sư. Tháp Phật được làm bằng gạch, phần trên của tháp đã bị tàn phá, dưới nền tháp có cung ngầm, trong đó cất giữ nhiều đồ bằng sứ, tượng Phật bằng đá, đồng v.v, cùng xương cốt của cao tăng.

Tại không ít chùa chiền ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đến nay vẫn giữ lại được những rừng tháp Phật giáo.

Sở Nghiên cứu văn vật thành phố Bắc Kinh cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc khai quật được rừng tháp Phật giáo quy mô như vậy.

Rừng tháp này rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử đóng đô của Bắc Kinh. Những cổ vật còn lưu giữ lại trong rừng tháp đều có bia chữ giới thiệu sự tích và cuộc đời của nhà sư, qua đó có thể xác định những tháp này được xây dựng vào thời kỳ nhà Liêu, nhà Kim từ năm 907-1234 sau Công nguyên. Đây cũng là thời kỳ mở đầu của việc Bắc Kinh được các triều đại phong kiến ở Trung Quốc chọn đóng đô.

Bắc Kinh là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng thế giới, có lịch sử dựng thành hơn 3.000 năm, di chỉ văn hóa cổ trải rộng khắp nội ngoại thành Bắc Kinh.

Trong quá trình xây dựng hiện đại hóa, chính quyền Bắc Kinh ngày càng chú trọng việc khai thác khảo cổ và bảo vệ văn vật. Theo tư liệu của Sở Văn vật thành phố Bắc Kinh, năm 2008, thành phố này đã hoàn thành 42 dự án thăm dò văn vật dưới đất, với tổng diện tích thăm dò lên tới hơn 3,1 triệu m2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục