Khai thác cát trái phép ở sông Hương vẫn tái diễn

Hiện toàn tỉnh có 33 bãi tập kết cát, sạn, sỏi dọc hai bờ sông Hương từ ngã ba Tuần đến đập Thảo Long đang ngang nhiên hoạt động.
Cứ Hè đến, nạn khai thác cát trên sông Hương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tái diễn, bất chấp lệnh cấm của các cấp chính quyền.

Không chỉ có lệnh cấm mà lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, có lúc bắt giữ hàng chục chiếc thuyền khai thác cát trái phép nhưng kiểm tra xong, đâu lại vào đó!

Hiện toàn tỉnh có 33 bãi tập kết cát, sạn, sỏi dọc hai bờ sông Hương từ ngã ba Tuần đến đập Thảo Long đang ngang nhiên hoạt động; trong đó hầu hết không có giấy phép, 31 bến bãi không có cam kết bảo vệ môi trường. Dọc bờ sông Hương đoạn qua các xã Thủy Bằng ở thị xã Hương Thủy; Hương Thọ, Hương Hồ ở huyện Hương Trà và các phường Thủy Biều, Phường Đúc ở thành phố Huế có hàng chục chiếc thuyền hút cát lớn nhỏ hoạt động suốt ngày đêm.

Trước đây, cát sạn được khai thác theo phương pháp truyền thống như dùng đò nhỏ, xúc bằng gàu tay, bây giờ được thay bằng tàu hút có sức chứa hàng trăm m3 với vòi hút vươn xa 20-30m. Một xà lan hút cát có 5-7 người thay phiên nhau quay ròng rọc, điều khiển vòi hút, bất chấp các quy định về bảo vệ hành lang an toàn cầu Tuần, an toàn bờ sông, bảo vệ môi trường và an toàn luồng lạch chạy tàu thuyền…

Một số nơi như ở xã Hương Thọ ở huyện Hương Trà và Thủy Bằng thuộc thuyện Hương Thủy có rất nhiều bãi tập kết cát, trong đó có ba bãi nằm trong vùng quy hoạch bảo vệ di tích. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có quy định: "Những ghe thuyền khai thác cát bằng thủ công ở lòng sông phải cách xa bờ từ 30-50 m.

Riêng ở sông Hương phải khai thác cách bờ 50m; cách chân các công trình đê kè, cầu, cống về hai phía thượng nguồn và hạ lưu mỗi bên ít nhất là 100m; cách chùa Thiên Mụ, Ðiện Hòn Chén, bến thuyền lăng Minh Mạng, nhà máy nước Vạn Niên và các di tích lịch sử khác về hai phía thượng lưu và hạ lưu mỗi bên ít nhất là 500m" nhưng hễ các lực lượng chức năng vào cuộc truy quét, tình hình khai thác cát sạn trái phép giảm, hết đợt kiểm tra đâu lại vào đó.

Tình trạng trên khiến dọc bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ ở huyện Hương Trà xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nặng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống ở đây. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do tình trạng khai thác cát sạn ồ ạt trên sông Hương làm thay đổi dòng chảy và kết cấu bền vững đôi bờ sông Hương.

Tại khu di tích Văn Thánh, Võ Thánh ở xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, một số hộ dân cho thuê đất để làm bãi tập kết cát trong khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích. Ở khu di tích điện Hòn Chén và Lăng Cao Hoàng, tình trạng khai thác cát không đúng quy định trong khu vực bảo vệ di tích diễn ra trên diện rộng, số lượng đò ngang tập trung khai thác ngày càng nhiều, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến khách tham quan di tích.

Mỗi năm, nhu cầu cát xây dựng ở Thừa Thiên-Huế rất lớn, nhưng chỉ dựa vào nguồn cung cấp cát sỏi trên các con sông vốn được bồi đắp sau các mùa lũ. Ước tính mỗi năm trên địa bàn có khoảng từ 1,3-1,7 triệu m3 cát sạn do mưa lũ trôi về bổ sung vào lòng sông.

Trong khi nhu cầu cát cho xây dựng trong toàn tỉnh vào khoảng 900.000 m3/năm. Nhưng khi các dự án thủy điện, thủy lợi trên các con sông ở Thừa Thiên-Huế như sông Hương, sông Bồ đã xây dựng xong và đi vào hoạt động thì lượng cát sỏi từ thượng nguồn bổ sung về hạ nguồn các con sông sẽ không còn (sẽ lắng vào các hồ chứa), gây nên tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng. Hơn thế nữa, việc khai thác cát tiếp diễn sẽ khoét sâu vào lòng sông, gây nên tình trạng xói lở bờ sông và ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần đầu tư các dự án nghiên cứu, quy hoạch và phát triển công nghệ mới để đánh giá tiềm năng, khả năng khai thác sử dụng nguồn cát ở các dải cát ven biển nhằm thay thế việc khai thác cát ở các con sông.

Tuy nhiên, vùng cát ven biển có độ mịn rất lớn, không thể thay thế hoàn toàn nhu cầu cát xây dựng, tình trạng thiếu cát sỏi xây dựng sẽ vẫn xảy ra. Đây chính là những bất cập gây nên tình trạng khai thác cát trái phép chưa thể khắc phục được hiện nay ở Thừa Thiên-Huế./.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục