Khai thác trái phép ở khu bảo tồn biển Nha Trang

Thời gian gần đây, nhiều ngư dân khai thác trái phép hải sản ở Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, thậm chí còn dùng mìn để khai thác.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) là khu vực có hệ sinh thái đa dạng phong phú, được bảo vệ và cấm đánh bắt hải sản dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân, nhiều ngư dân đã khai thác trái phép hải sản ở đây, thậm chí còn sử dụng mìn để khai thác.

Theo phản ánh của ông Enriko d’La Mancha, chủ Trung tâm lặn và văn phòng du lịch Amigos tại Nha Trang, liên tục trong các ngày 24, 25, 26/4, trong lúc dẫn đoàn du khách nước ngoài đi lặn biển tại khu vực Hòn Nọc, Nam Hòn Mun thuộc vùng lõi khu bảo tồn biển, ông và cả đoàn khách đã nghe tiếng nổ rất lớn.

Lúc phát ra tiếng nổ, ở độ sâu 15-30m, nhiều du khách hoảng hốt phải trồi hết lên mặt nước, bất chấp sự thay đổi áp suất đột ngột có thể gây hại đến sức khỏe và tính mạng.

Ông Enriko cho biết thêm, theo kinh nghiệm bản thân ông, đây là loại mìn mà các thuyền đánh cá phi pháp thường dùng. Loại mìn này nổ chìm dưới nước, khi đã chìm sâu xuống biển nếu quan sát từ trên tàu sẽ không nhìn thấy, chỉ ở sát bên tàu mới có thể nghe tiếng nổ. Nhưng những người lặn dưới nước sẽ nghe tiếng nổ rất lớn.

Để tìm hiểu thêm về thực trạng này, chúng tôi đã có mặt tại khu vực Hòn Mun, Hòn Nọc… và tận mắt chứng kiến chục chiếc ghe, tàu lớn nhỏ khác nhau đang thản nhiên thả lưới đánh bắt hải sản ngay trong các vùng lõi Hòn Mun.

Tại khu vực phía nam Hòn Mun, các đội giã cào hoạt động công khai chỉ cách đảo Hòn Mun chừng 100m, mà theo quy định vùng lõi tính từ mép nước thủy triều của đảo ra 300m. Phía đông Hòn Mun và nam Hòn Nọc vẫn tồn tại hai đầm đăng với hàng chục chiếc tàu lớn hoạt động đánh bắt công khai. Điều đáng lưu ý là rất nhiều thuyền không có số hiệu.

Ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết hiện nay đội bảo vệ trên khu bảo tồn biển chỉ có 14 người, chia làm ba ca, hoạt động trên diện tích 122 km2 và 38 km2 mặt đất với năm vùng lõi.

Lực lượng còn mỏng, đội bảo vệ không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt, nên nếu có thấy sai phạm chỉ có thể lập biên bản và báo cáo cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa… rồi mới phối hợp với bộ đội biên phòng, cảnh sát môi trường và các đơn vị trên ra làm việc.

Ông Kỉnh bức xúc cho biết thậm chí đội bảo vệ đã không ít lần bị ngư dân dùng sào gậy đe dọa khi áp sát vào thuyền đánh cá để kiểm tra, lập biên bản. Ban quản lý mong muốn có được một quy chế quản lý, phối hợp thống nhất, có cơ quan chịu trách nhiệm chung.

Mặt khác, Quyết định 26 ngày 11/3/2002 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho phép hai đầm đăng khai thác hải sản tại Hòn Mun và Hòn Nọc được phép tồn tại và hoạt động hợp pháp. Đến năm 2008, Chính phủ đã ra Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 2/5/2008 Ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam, trong đó nghiêm cấm khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào. Thế nhưng đã hai năm kể từ khi Nghị định 57 ra đời, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có những điều chỉnh cho phù hợp.

Được biết, vào năm 2002, 2003, nhiều trường hợp đánh cá bằng mìn và thuốc độc ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang. Gần đây nạn đánh mìn có dấu hiệu xuất hiện trở lại và ngày càng tinh vi hơn./.

Quang Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục