Khám phá "nhà kỳ dị"

Khám phá một "ngôi nhà kỳ dị" ở thành phố Đà Lạt

"Lâu đài mạng nhện" Crazy House ở thành phố Đà Lạt, một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới, đang ngày càng cuốn hút nhiều du khách.
Căn biệt thự được mệnh danh là “lâu đài mạng nhện,” “ngôi nhà kì dị” (Crazy House) ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng của kiến trúc sư Đặng Việt Nga từ lâu vốn đã rất nổi tiếng và thu hút du khách.

Cuối năm 2010, khi tạp chí People's Daily của Pháp chọn Crazy House là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới, sự cuốn hút của địa chỉ du lịch này càng lớn hơn.

Đến thăm ngôi nhà, du khách được thỏa sức chiêm ngưỡng sự độc đáo của lối kiến trúc không rập khuôn, phá cách nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu hết điều thú vị, độc đáo của ý tưởng xây dựng này.

Nhắc đến công trình mà mình là tác giả ý tưởng thiết kế, là chủ nhân, kiến trúc sư Đặng Việt Nga ít kể về kỹ thuật, phương trình của khoa học kiến trúc. Ngược lại, bà Nga lại luận dẫn sâu về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên và sự trả giá của con người khi cố tình tàn phá thiên nhiên, tàn phá môi trường sống.

Bất cứ ai bước vào khuôn viên rộng gần 2.000m2 thuộc Crazy House Hằng Nga cũng ngỡ ngàng như bước vào “lâu đài mạng nhện.” Nếu không có chủ nhân giới thiệu các lối đi, những cầu thang cách điệu như cành cây vươn ra, khách tham quan không thể nào đi hết số lối đi dài, ngắn trong công trình kiến trúc này với thời gian là 30 phút.

Những lối đi lắt léo, không bậc cấp, không lan can tay vịn như một sự đánh đố về về đã khiến người đi lên lầu lại quay đúng về chỗ xuất phát sau hơn 10 phút… tưởng là mình leo lên.

Crazy House không có mái nhà thông thường. Nhìn từ xa, quần thể kiến trúc này như những thạch nhũ khổng lồ vươn lên không trung, độ cao, thấp của mỗi căn nhà trong quần thể này xám xịt màu đá tự nhiên, rêu phong và mang nặng chất hồng hoang khởi thủy.

Cận cảnh hơn, ẩn đằng sau những ô cửa sổ cách điệu với hàng chục kiểu dáng không lặp lại là những căn phòng được chủ nhân sử dụng kinh doanh lưu trú nhưng nếu không có bóng người phía trong, cũng không ai có thể phân biệt đâu là phòng, đâu là cửa. Những lối đi dẫn lên các phòng nghỉ cũng tạm bợ.

Vật liệu kiến tạo nên công trình này vẫn chủ đạo là sắt, thép, ximăng nhưng nhờ tạo được kiểu dáng lạ, phá cách và màu sắc gần gũi với tự nhiên nên giảm đi cái cảm giác nặng nề của đá, cát.

Xen lẫn trong chỉnh thể kiến trúc, trong khuôn viên là hàng loạt biểu trưng gốc cây bị cưa cụt; những thân cây tre, gỗ bị chặt phá nham nhở. Những căn phòng được thiết kế cố tình mô phỏng môi trường sống của sinh vật tự nhiên như các loài gấu, vượn, nhện… Ngoài vườn là biểu tượng của những mạng nhện, cây, cỏ, tre, trúc… Người tham quan được sống với cảm giác gần nhất với thiên nhiên.

Trong khuôn viên Crazy House, kiến trúc sư Trần Lan - một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét tinh tế: “Điều đáng ghi nhận nhất ở công trình Crazy House là sự phá cách không mô phỏng. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga đã thoát khỏi mọi quy chuẩn, phương trình của khoa học kiến trúc để tạo nên công trình độc đáo.”

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga chia sẻ: “Cuối thế kỷ trước trở lại đây, ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, thiên nhiên và môi trường bị tàn phá quá nhiều. Hiện nay, con người đang phải trả giá cho những hành vi hủy hoại thiên nhiên của mình. Bởi vậy, bằng tiếng nói của kiến trúc, tôi muốn đưa con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải tận dụng và hủy diệt nó. Hình tượng của Crazy House là những gốc cây khổng lồ bị cưa cụt - biểu tượng của sự bị tàn phá dữ dội. Nhưng những lối đi, những cầu thang như những cành cây vẫn vươn ra mãnh liệt cả bốn phía. Tôi muốn nói rằng, không ai có thể hủy diệt thiên nhiên. Hãy bảo vệ và yêu mến thiên nhiên để không phải trả giá vì thiên nhiên nổi giận.”

Lắt léo, kỳ dị hay quái lạ, kiến trúc sư Đặng Việt Nga, thông qua Crazy House vẫn chỉ hướng tới điều bình dị: tha thiết bảo vệ môi trường sống, cầu mong con người ứng xử tốt đẹp hơn với môi trường sống của chính mình.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga là con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Hơn 20 năm vào lập nghiệp tại thành phố Đà Lạt, bà vẫn sống lặng lẽ, giản dị. Nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã đến Crazy House để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này.

Hiện nay, mỗi ngày Crazy House đón khoảng 300 lượt khách. Những dịp lễ, tết, “ngôi nhà quái dị” của bà đón hơn 1.000 lượt người tham quan hàng ngày. Điều đáng mừng là trong số hàng chục nghìn du khách đến đây mỗi năm, có một lượng rất lớn du khách đến từ nhiều nước khác trên thế giới. Mỗi một người bước vào lâu đài đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, thích thú trước biểu tượng kỳ lạ, độc đáo của công trình.

Chị Kow Sikaia - một du khách đến từ Liên bang Nga đã nói “Những người bạn tôi từ Nga đã nhiều lần đến tham quan Crazy House. Tôi đã biết ngôi nhà này và chủ nhân của nó qua báo chí nước ngoài và báo chí Nga nhưng giờ mới có dịp qua thăm. Công trình rất tuyệt, rất kỳ lạ. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy.”

Sự ngưỡng mộ, thích thú của du khách đã tạo cơ hội cho chủ nhân tăng nguồn thu đáng kể. Theo bà Đặng Việt Nga, trong năm 2010, gia đình bà đã đóng thuế cho nhà nước 100 triệu đồng. Năm 2011, số tiền thuế dự kiến sẽ đóng tối thiểu là 250 triệu đồng.

Sau 20 năm xây dựng, giờ đây bà Đặng Việt Nga đã có giấy “Chứng nhận quyền sở hữu công trình” với ngôi nhà độc đáo này./.

Sơn Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục