Khám phá ngôi chùa hơn 1.500 năm tuổi của đất Thăng Long-Hà Nội

Ngôi cổ tự hơn 1.500 năm tuổi nhìn từ xa như một đóa sen đang nở rộ giữa Hồ Tây mênh mông sóng nước khiến du khách liên tưởng đến đài sen của Phật Tổ.
Khám phá ngôi chùa hơn 1.500 năm tuổi của đất Thăng Long-Hà Nội ảnh 1Chùa Trấn Quốc được du khách quốc tế ca ngợi là một trong những công trình tôn giáo đẹp, từ xa nhìn lại trông giống như đóa sen đang nở giữa Tây Hồ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Là ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất ở Hà Nội còn bảo tồn được đến ngày nay, chùa Trấn Quốc  là điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới tham quan và lễ Phật mỗi năm.

Với kiến trúc nguy nga, cổ kính vẹn nguyên theo đúng nguyên tắc khắt khe của các công trình Phật giáo, ngôi cổ tự hơn 1.500 năm tuổi nhìn từ xa như một đóa sen đang nở rộ giữa Hồ Tây mênh mông sóng nước khiến du khách liên tưởng đến đài sen của Phật Tổ.

Năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn. Tạp chí National Geographic (Mỹ) cũng từng chùa Trấn Quốc nằm trong danh sách những ngôi chùa Phật giáo sở hữu kiến trúc đẹp và đáng tới thăm nhất trên thế giới.

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi ban đầu là chùa Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434-1442), nhà vua đổi tên chùa là chùa An Quốc. Năm 1615, khi đê sông hồng bị sạt lở chùa đã được di dời về Yên Phụ và chùa đã được đổi tên thành Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông với ý nghĩa mang đến sự bình an, hạnh phúc cho người dân và chống được thiên tai, bão lũ. Và cái tên Trấn Quốc tự đã được lưu giữ cho tới tận ngày nay.

Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các thời vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa.

Chùa tọa lạc trên một gò đất tựa như một hòn đảo nhỏ; xung quanh chùa được bao bọc bởi làn nước xanh biếc như tô vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Giống như hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện theo hình chữ Công.

Dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa võng chạm trổ tinh xảo có bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật và Bồ tát dát vàng, hai cửa vào thiêu hương đều có tượng Kim Cương đứng trấn. Gian bên trái tiền đường thờ tượng Quan Vũ, Châu Sương và gian bên phải thờ tượng Đức Ông cùng các thị giả.

Tiền đường hướng về phía Tây, hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Khám phá ngôi chùa hơn 1.500 năm tuổi của đất Thăng Long-Hà Nội ảnh 2Vườn tháp cổ ở chùa Trấn Quốc có từ thế kỷ 18. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Khuôn viên chùa có Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.

Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại.

Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng - nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.

Nhà bia của chùa cũng lưu giữ 14 tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.

Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập.

Vào ngày mùng 1 hoặc ngày rằm âm lịch, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa. Bên cạnh đó, du khách có thể kết hợp tham quan hai điểm du lịch thơ mộng của đất Thăng Long-Hà Nội là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Trong đêm giao thừa tết Nguyên đán, chùa Trấn Quốc cũng thường mở cửa và tổ chức khóa lễ cầu nguyện cầu quốc thái dân an, đây là khóa lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục