"Khan hiếm các nguồn đất, nước đe dọa nhân loại"

FAO khẳng định sự khan hiếm, suy thoái các nguồn tài nguyên đất và nước đang trở thành mối đe dọa lớn đối với cuộc sống con người.
Ngày 30/12, trong đánh giá về những nguy cơ đe dọa con người, Tổ chức Lương-Nông của Liên hợp quốc (FAO) khẳng định sự khan hiếm và suy thoái các nguồn tài nguyên đất và nước đang trở thành mối đe dọa lớn đối với cuộc sống con người.

Những nguy cơ này đẩy hệ thống sản xuất lương thực chủ chốt trên toàn cầu vào tình thế nguy hiểm, thách thức khốc liệt trách nhiệm nuôi sống dân số thế giới đang tăng nhanh dự kiến lên tới 9 tỷ người vào năm 2050.

Các nghiên cứu của FAO trong năm 2011 thừa nhận mặc dù thế giới đã dành các khoản đầu tư lớn hơn vào nông nghiệp, tăng cường sự minh bạch trong các thị trường nông sản thế giới, nhưng giá lương thực vẫn biến động rất lớn và nhanh, đạt kỷ lục cao chưa từng thấy trong lịch sử, khiến nông dân, người tiêu dùng lương thực và nhiều nước trở nên dễ bị tổn thương do mất an ninh lương thực và đói nghèo.

Các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ nguồn đất và nước là nhu cầu cấp thiết để bảo vệ nông dân và người sản xuất lương thực, giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình, ngăn chặn khủng hoảng lương thực ngày càng xấu hơn. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa nhận được đầy đủ sự hỗ trợ thích hợp theo hướng này.

Hạn hán ở vùng Sừng châu Phi đã đe dọa cuộc sống của nhiều triệu người ở khu vực trên. Biến động giá lương thực và thảm họa đói ở Đông Phi trong năm 2011 đã buộc thế giới phải dành nhiều nguồn lực hơn cho các vấn đề lương thực và nông nghiệp.

Các nghiên cứu của FAO cũng đã cho thấy sản xuất lương thực toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào các nguồn đất đai và nước bất chấp việc những nguồn này đang suy giảm. Tuy việc sử dụng đất rừng từ năm 1990 đến 2005 đã giảm, nhưng diện tích rừng bị tàn phá vẫn tăng lên nhanh chóng. FAO đã phát động sáng kiến “Cứu và Phát triển” kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực tập thể giải quyết thách thức này nhằm hỗ trợ tính bền vững trong sản xuất lương thực toàn cầu và giảm lãng phí lương thực nuôi sống thế giới.

Theo đánh giá của FAO và Ngân hàng Thế giới (WB), 1,3 tỷ tấn lương thực đã bị lãng phí mỗi năm trên toàn cầu và chỉ riêng ở các nước khu vực miền Nam sa mạc Sahara (châu Phi), mức độ lãng phí lương thực đã lên tới 4 tỷ USD/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục