Khẳng định chủ quyền biển đảo dưới góc nhìn lịch sử

Ngày 9/5, Hội Luật gia và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giới thiệu về lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngày 9/5, Hội Luật gia và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giới thiệu về lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Hàng trăm cán bộ, cử tri của tỉnh Đồng Nai đã được nghe nhà sử học Dương Trung Quốc khái quát về lịch sử biển đảo Việt Nam từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu rõ: "Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được khẳng định từ hàng nghìn năm và hiện nay chúng ta đang kế thừa những giá trị mang tính liên tục của lịch sử để tiếp tục gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta không thể không nhắc tới những triều đại từ xa xưa như: Từ nhà Lê - thời kỳ vua Lê Thánh Tông, Hồng Đức đã vẽ bản đồ và xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thời đại chúa Nguyễn cũng tiếp tục khẳng định và xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; kể cả sau này vào năm 1938, Vua Bảo Đại tiếp tục thực hiện quyền lực nhà nước của mình để xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Tại Hội nghị, ông Dương Trung Quốc dẫn chứng, thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho vẽ một bản đồ thể hiện một cách hết sức rõ ràng cả dải Hoàng Sa, Trường Sa hình tam giác chạy dọc bờ biển miền Trung và đặt tên là “Vạn Lý Trường Sa.” “Đó là những bằng chứng cụ thể, đầy đủ thể hiện được tầm nhìn của ông cha ta ngày trước. Trong điều kiện đất nước vào thời điểm lúc đó như vậy, nhưng ông cha ta đã nhìn ra biển cả với những mục tiêu rất thực tiễn và thể hiện một ý chí xác lập chủ quyền lãnh thổ của đất nước.”

Nhà sử học Dương Trung Quốc dẫn chứng, sau khi tiếp quản lãnh thổ của Đại Nam, người Pháp vẫn thực thi việc xác lập chủ quyền như xây dựng những đèn biển, xây dựng những trạm vô tuyến, họ đăng ký với thế giới rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một địa điểm của xứ Đông Dương thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Đó là những bằng chứng cụ thể trong lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Mới đây, tại triển lãm “Đồng Nai hướng về biển đảo,” tỉnh Đồng Nai cũng đã giới thiệu bốn tấm bản đồ cổ và 14 tấm bản đồ của các nhà sưu tầm trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Bản đồ “Các đài khí tượng Đông Dương” của Pháp vẽ vào năm 1940 cũng ghi rõ, đài khí tượng ở Pattle, tức là quần đảo Hoàng Sa và Itu Aba, tức quần đảo Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất của Đông Dương. Điều đó có nghĩa là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bản đồ có tên “An Nam đại quốc họa đồ” do ông Jean-Louis Taberd, một người Pháp vẽ vào năm 1838. Tấm bản đồ ghi rõ “Paracel seu Cát Vàng,” tức là quần đảo Hoàng Sa, thuộc lãnh thổ Việt Nam.Tấm bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ vào thời triều Minh Mạng 1834, bản đồ ghi rõ, Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam./.

Trần Long

Tin cùng chuyên mục