"Khẳng định được vị thế của người tiêu dùng"

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng lần này khẳng định được vị thế của người tiêu dùng trong đời sống kinh tế Việt Nam.
Bên lề hội thảo "Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng", ngày 12/8, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh các điểm mới trong Dự thảo luật lần này.

Xin ông cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng lần này có những điểm gì mới ?

Dự thảo Luật lần này khẳng định được vị thế của người tiêu dùng trong đời sống kinh tế Việt Nam, đồng thời nêu rất rõ về trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh đối với vấn đề bảo vệ người tiêu dùng.

Trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất thì người tiêu dùng luôn ở thế yếu, họ thiếu thông tin và không có khả năng để quyết định giá cả và chịu tất cả mọi sự rủi ro mà không được đàm phán trong giao kết hợp đồng.

Do vậy, trong quy định của dự thảo luật, để khởi kiện thì người tiêu dùng không cần phải chứng minh sự thiệt hại của mình. Tòa án một cấp với thủ tục rút gọn.sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp.

Nếu có trường hợp khởi kiện thì việc rút gọn một cấp để xét xử liệu có thành công hay không ?

Tôi cho rằng, nếu có khiếu kiện xảy ra thì sẽ có áp lực rất lớn cho tòa án, đặc biệt là tòa án cấp huyện. Vì vậy, nếu chúng ta giải quyết bằng thủ tục rút gọn, thông tin công khai minh bạch thì tôi cho rằng chúng ta có thể giải quyết được.

Đây cũng là kinh nghiệm của các nước. Tuy nhiên, với Việt Nam thì đây là vấn đề rất mới và có thể có những điều sẽ không phù hợp với Bộ Luật Tố tụng Dân sự. Nếu chúng ta quy định được và làm được điều này thì rõ ràng quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo đảm tốt.

Theo ông, có nên phân cấp tuỳ theo từng vụ việc lớn, nhỏ ?

Trong dự thảo Luật có nói, 100 người tiêu dùng nếu uỷ quyền bằng văn bản cho hội thì mới có đủ điều kiện để hội có thể đứng ra khởi kiện. Khi hội đứng ra thực hiện việc này tức là phải liên quan đến số đông người tiêu dùng.

Trong trường hợp này thì phải có chứng minh đầy đủ những thiệt hại của người tiêu dùng để đưa ra tòa và đây là trách nhiệm của các nhà sản xuất phải làm.

Tại sao nhà sản xuất lại phải có nghĩa vụ chứng minh về sự thiệt hại mà không phải là người tiêu dùng ?

Khi khởi kiện, người tiêu dùng thường có những khởi kiện nhỏ với hàng hoá có giá trị thấp như chai nước, hộp sữa. Với những sản phẩm như thế thì người tiêu dùng sẽ không đủ khả năng và tài chính để đưa sản phẩm đi thử nghiệm bởi chi phí thử nghiệm cao.

Chính vì vậy, trách nhiệm để chứng minh rằng sản phẩm của doanh nghiệp có vi phạm vệ sinh an toàn hay không thì chính nhà sản xuất phải tiến hành lấy mẫu mang đi thử nghiệm.

Vậy làm sao có thể ngăn chặn được khiếu nại vô lý, hoặc nhân cơ hội làm hạ thấp uy tín của doanh nghiệp ?

Trong dự thảo Luật phải nói rõ người tiêu dùng có quyền gì, bởi khi người tiêu dùng không biết mình có quyền thì người ta sẽ không tự bảo vệ được và cũng sẽ không đòi hỏi được cơ quan nhà nước hay tòa án bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, phải nói rõ họ cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi khiếu nại. Trên thực tế, trong quá trình giải quyết những vụ khiếu nại của người tiêu dùng chúng tôi biết rằng không ít những người tiêu dùng đã lợi dụng quyền khiếu nại của mình để áp đặt cho nhà sản xuất, buộc nhà sản xuất phải bồi  thường hết sức vô lý.

Trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng thì người tiêu dùng luôn ở thế yếu. Chính vì vậy họ cần được bảo vệ và phải có luật để bảo vệ họ.

Xin cảm ơn ông!
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục