Khẳng định vị thế với bốn Giải báo chí Quốc gia năm 2013

Với việc tập trung vào các sự kiện lớn và vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, Thông tấn xã Việt Nam đã giành được bốn giải thưởng tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII-năm 2013.
Khẳng định vị thế với bốn Giải báo chí Quốc gia năm 2013 ảnh 1Tác phẩm trong phóng sự ảnh "Tây Nguyên khát" của tác giả Nguyễn Luân (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Với việc tập trung vào các sự kiện lớn và vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, không ngần ngại đi vào những đề tài “gai góc,” các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã giành được bốn giải thưởng tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII-năm 2013.

Đề tài “gai góc”

Theo đánh giá của Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII, các tác phẩm đoạt giải đã thể hiện sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, đảm bảo tính thời sự, cách trình bày súc tích, có sức thuyết phục cao. Các tác giả đã dấn thân vào thực tế cuộc sống để phát hiện và tìm hiểu vấn đề; từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí sáng tạo, có hiệu ứng xã hội tốt.

Sáng 12/11/2013 (theo giờ New York), với 184 phiếu thuận trong tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2018) với số phiếu cao nhất trong tổng số 14 nước thành viên mới. Lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Từ việc xác định đây là một sự kiện quan trọng (thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực), nhóm tác giả Đỗ Quyên-Nguyễn Hoàng Điệp (Ban Biên tập Tin trong nước) đã triển khai loạt bài viết “Việt Nam bảo đảm cao nhất việc thực thi quyền con người” liền ngay sau đó.

Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII đã trao giải C (ở thể loại phản ánh, phỏng vấn, ghi chép) cho chùm tác phẩm này.

“Các bài viết được thực hiện nhằm đưa tới cộng đồng quốc tế thông tin về những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... Thực sự, đó là một đề tài ‘khô,’ khó và khá nhạy cảm, đòi hỏi sự khách quan, cẩn trọng trong từng câu chữ và không thể ‘phóng bút’ như ở một số đề tài khác,” nhà báo Đỗ Quyên tâm sự.

Tác giả của loạt bài cho biết, để có được những bài viết đảm bảo tính thời sự ngay sau sự kiện lớn này, bên cạnh việc thường xuyên kết nối với các đầu mối thông tin quan trọng như Bộ Ngoại giao, chị và đồng nghiệp đã có sự chuẩn bị tư liệu liên quan từ trước đó.

Chị cho biết thêm, để đảm bảo tính khách quan, các bài viết không chỉ cần ý kiến của các nhà lãnh đạo, những người thực thi pháp luật ở Việt Nam, tiếng nói của người dân Việt Nam mà còn cần ý kiến của những chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)…

Việc tiếp cận với những sự kiện thời sự, vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm còn được thể hiện rõ nét qua loạt bài “Về vụ kích động, gây rối tại Nghi Phương-Nghệ An” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Quang Vũ và Nguyễn Văn Nhật-Báo Tin Tức (được trao giải Khuyến khích thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí).

Cùng với việc triển khai những tuyến tin-bài theo các sự kiện thời sự lớn, những “tay bút,” “tay máy” của Thông tấn xã Việt Nam còn chủ động tiếp cận với những đề tài “gai góc” khác - những vấn đề đã tồn tại từ lâu, được dư luận quan tâm nhưng chưa có lời giải cụ thể.

Đó là những “khoảng tối,” mâu thuẫn giữa người dân và công ty lâm nghiệp trong việc quản lý, sử dụng đất rừng qua loạt bài “Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh”của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng-Đỗ Mạnh Hùng (Báo điện tử VietnamPlus). Tác phẩm được trao giải B ở thể loại Báo điện tử).

Khẳng định vị thế với bốn Giải báo chí Quốc gia năm 2013 ảnh 2Chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh đó, chuyện thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô ở Tây Nguyên cũng không hoàn toàn là một vấn đề mới. Nó đòi hỏi góc nhìn riêng, cách thể hiện khác biệt của người làm báo. Điều này được thể hiện rõ nét trong phóng sự ảnh “Tây Nguyên khát”của tác giả Nguyễn Luân (Báo Ảnh Việt Nam). Tác phẩm được trao giải C ở thể loại ảnh báo chí.

Dấn thân, trải nghiệm và sáng tạo

“Tìm được đề tài hay đã là một việc khó. Quá trình triển khai cụ thể để có những tác phẩm báo chí đạt chất lượng tốt lại là một chặng đường gian nan hơn rất nhiều. Ở đó, phóng viên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải học cách vượt qua chính mình,” tác giả Nguyễn Luân chia sẻ.

Tây Nguyên mùa khô, con người, vạn vật đều khát cháy. Rong ruổi khắp các tỉnh Tây Nguyên trên chiếc xe máy cùng một người đồng nghiệp, Nguyễn Luân đã ghi lại những hình ảnh sống động về một Krông Pa - vùng đất được coi là “chảo lửa,” là “rốn hạn” của Tây Nguyên, về Hồ Tân Điền ở Kon Tum cạn trơ đáy, hay nỗi ám ảnh về hạn hán hiện rõ nơi đáy mắt người dân Tây Nguyên…

Một tháng đi không nghỉ, theo chân những người mẹ, người chị xuống suối Ia Mlah, Uar tìm mạch nước ngầm rồi chắt chiu gùi về nhà dùng qua ngày, hòa mình vào không khí lễ hội của đồng bào, anh bảo, sức sống, “chất lửa” của người Tây Nguyên là ấn tượng sâu đậm nhất để lại trong anh.

Khẳng định vị thế với bốn Giải báo chí Quốc gia năm 2013 ảnh 3Hạn hán khiến cho việc trồng trọt của người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết - Một bức ảnh trong phóng sự ảnh "Tây Nguyên khát" (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

“Cuộc sống khó khăn là vậy - thiếu nước, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, mọi thứ đều khô cằn nhưng người dân Tây Nguyên vẫn không ngừng nuôi dưỡng những ước mơ; không quên đi bản sắc văn hóa, ‘cháy’ hết mình trong những lễ hội truyền thống,” phóng viên Nguyễn Luân chia sẻ.

Cũng giống như phóng sự ảnh “Tây Nguyên khát,” loạt bài “Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh” là kết quả của chuyến đi thực tế tại nhiều tỉnh miền núi Đông Bắc, Tây Nguyên của hai tác giả Võ Mạnh Hùng và Đỗ Mạnh Hùng.

Rời Thủ đô lên vùng Đông Bắc trong cái nắng của một buổi chiều tháng Tám, phóng viên Vietnam+ đã tìm đến những bản làng nằm heo hút giữa những dãy núi cao để nắm bắt tình hình thực tế, nghe câu chuyện của đồng bào dân tộc.

Các tác giả kể lại, để đến được những địa điểm đó, các anh đã phải đi bộ hàng chục kilômét đường rừng toàn đá hộc hay có khi phải phóng xe máy trên những cung đường lầy lội bùn đất sau mưa.

"Đó là khi chúng tôi đi tới trung tâm xã Đại Đồng (Yên Bình, Yên Bái). Đầu óc căng ra để giữ vững tay lái cho bánh xe qua những đoạn đường bùn lầy. Có lúc, tôi đang hí hụi về số cho xe đi qua vũng nước rồi leo dốc thì bất chợt bánh trước bị chặn đứng giữa hai viên đá to, rồi cả người và xe ngã ngửa xuống đường," phóng viên Võ Mạnh Hùng nhớ lại.

Những tác phẩm báo chí chất lượng ra đời từ những chuyến đi ấy một lần nữa khẳng định nhiệt huyết, sự dấn thấn của những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Với bốn giải thưởng tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII-năm 2013, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của đơn vị thông tin chủ lực trong các cơ quan báo chí Việt Nam.

Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII-năm 2013 sẽ diễn ra vào tối 21/6 tại Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục