Khánh Hòa: Đã có 74,6% ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh

Tính đến chiều 3/9, toàn tỉnh Khánh Hòa đã thu dung và điều trị khỏi cho 5.070 bệnh nhân COVID-19, chiếm 74,6% trong tổng số hơn 6.780 ca mắc được ghi nhận của đợt dịch này.
Khánh Hòa: Đã có 74,6% ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh ảnh 1Cán bộ y tế tiến hành lấy mẫu gộp 3 người trong hộ gia đình để tầm soát cộng đồng diện rộng tại thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Theo thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa, tính đến chiều 3/9, toàn tỉnh Khánh Hòa đã thu dung và điều trị khỏi cho 5.070 bệnh nhân COVID-19, chiếm 74,6% trong tổng số hơn 6.780 ca mắc được ghi nhận của đợt dịch này.

Theo đánh giá gần đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, đến nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã bước đầu có chuyển biến tích cực, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm; nhiều địa phương đã qua nhiều ngày không có ca mắc trong cộng đồng, bao gồm các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Trường Sa và thị xã Ninh Hòa. Việc triển khai các biện pháp xử lý ca nghi nhiễm trong cộng đồng quyết liệt, bài bản và hiệu quả hơn, năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được nâng lên; công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai tích cực.

Kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện trên 3,5 triệu mẫu xét nghiệm test nhanh cho người dân trong tỉnh, hơn 755 nghìn lượt người được xét nghiệm RT-PCR.

Bên cạnh đó, đến nay Khánh Hòa có trên 144 nghìn lượt người được tiêm phòng vaccine mũi 1 và gần 45 nghìn người được tiêm mũi 2.

Ngoài ra, từ ngày 3-7/9, Khánh Hòa tổ chức chiến dịch tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharrm phòng COVID-19 đủ 2 mũi cho 150 nghìn người.  

Tỉnh Khánh Hòa ưu tiên tiêm cho các đối tượng thuộc lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên trong công tác phòng, chống dịch, người dân sống trong vùng dịch; công nhân tại các khu, cụm công nghiệp nhà máy, lái xe, vận tải hàng hóa, người giao hàng công nghệ, người lao dộng trong ngành du lịch, ngư dân, tiểu thương, người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, công dân người nước ngoài có nhu cầu tiêm vaccine.

Trong số này dự kiến có khoảng 50 nghìn người dân sống trong vùng dịch; 50 nghìn người làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; 10 nghìn người là ngư dân, 10 nghìn tiểu thương các chợ truyền thống, 10 nghìn người làm việc trong ngành du lịch…

[Khánh Hòa: Chiến dịch tầm soát cộng đồng trên toàn thành phố Nha Trang]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19, phương thức triển khai được mở rộng trên toàn địa bàn tỉnh, bao gồm tiêm tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, điểm tiêm cổ định và tiêm lưu động, đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao với tổng số 171 điểm tiêm chủng.

Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến 7 giờ ngày 2/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 6.604 ca mắc COVID-19, trong đó thành phố Nha Trang có số ca mắc cao nhất với 3.830 người, tiếp đó là thị xã Ninh Hòa với 1.797 ca.

Có 3/9 huyện, thị xã, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới gồm Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Trường Sa. Đến nay toàn tỉnh đã có 4.690 ca bệnh được điều trị khỏi và xuất viện, 56 ca tử vong...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ triển khai sau đợt giãn cách lần thứ 4 sẽ kết thúc vào lúc 0 giờ ngày 8/9 tới.

Trong đó có quy định ưu tiên cho phép hoạt động trở lại đối với các trường hợp đã tiêm vaccine; xây dựng cẩm nang phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Khánh Hòa; hoàn chỉnh các quy trình “đánh nhanh, giải quyết nhanh” đối với tầm soát diện rộng cộng đồng và “đánh chắc, tiến chắc” đối với việc sàng lọc F0 trong vùng đỏ để nhân rộng áp dụng trong toàn tỉnh, vốn được triển khai có hiệu quả tại thành phố Nha Trang trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần hoàn thiện và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khi nới lỏng giãn cách xã hội, bảo đảm tiến độ giải ngân các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc thực hiện 5K và các biện pháp bảo đảm an toàn đối với COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục