Khánh Hòa: Xây dựng công tác ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa về xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.
Khánh Hòa: Xây dựng công tác ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân ảnh 1Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 8/6, đoàn công tác liên ngành gồm Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.

Theo Tiến sỹ Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 58 cơ sở bức xạ với hàng trăm thiết bị bức xạ và các thiết bị chứa nguồn phóng xạ, chủ yếu đáp ứng hoạt động trong các lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp, nghiên cứu khoa học…, trong đó loại hình chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp có đặc thù là sử dụng nhiều nguồn bức xạ di động. Vì vậy khả năng xảy ra sự cố với loại hình này ở mức khá cao với các hình thức như rơi nguồn, thất lạc hoặc mất cắp, sự cố khi vận chuyển nguồn phóng xạ...

Bên cạnh đó, Khánh Hòa là địa phương giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận, nơi dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai và giáp với tỉnh Lâm Đồng, nơi có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Từ năm 2012, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo kế hoạch ứng phó bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để triển khai.

Ý kiến của đại diện các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng đề cập đến những yếu tố tiềm ẩn sự cố bức xạ hạt nhân khác. Đó là tỉnh tập trung nhiều cửa khẩu quốc tế, có đường biển, đường hàng không, là tuyến đường vận chuyển các thiết bị bức xạ do đó có thể xảy ra buôn bán, vận chuyển trái phép chất phóng xạ. Toàn tỉnh hiện có hơn 150 cơ sở thu gom phế liệu, tái chế kim loại, cũng tiềm ẩn nguy cơ về phóng xạ nếu các thiết bị chứa nguồn là kim loại thất lạc bị đưa đến đây tái chế.

Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến của tỉnh Khánh Hòa, coi đây là địa phương trọng điểm trong công tác ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân của cả nước. Đoàn đề nghị trước mắt tỉnh cần chuẩn bị tốt về công tác nhân sự, xác định các lực lượng ứng phó sự cố khi cần thiết.

Các cơ quan chức năng tỉnh cần xây dựng kế hoạch để tham mưu cho các ngành chức năng trung ương đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ, đầu tư trang bị các thiết bị quan trắc, đo đạc, báo động bức xạ, các thiết bị cho lực lượng chuyên trách xử lý sự cố, tiêu độc.

Tỉnh cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ các vấn đề liên quan, tổ chức diễn tập trong tình huống xảy ra sự cố bức xạ hạt nhân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục