Khánh thành đường vào khu di tích thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Việc khánh thành đường giúp di tích lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam trở thành điểm đến của đông đảo người làm báo gặp gỡ, giao lưu...
Các đại biểu cắt băng khánh thành đường vào khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các đại biểu cắt băng khánh thành đường vào khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hội Nhà báo Việt Nam và Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức khánh thành đường vào khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam vào sáng nay (ngày 25/4).

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cách đây 69 năm (ngày 21/4/1950) tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến dân tộc và đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước, Hội Nhà báo đã gắn bó người làm báo cả nước, các cấp Hội cống hiến xây dựng đất nước.

Theo ông Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, đại diện cho người làm báo, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, giám sát hội viên, tham gia xây dựng chính sách xã hội của Nhà nước. Hiện, có hơn 24.000 hội viên sinh hoạt 63 các chi hội địa phương.

[Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích cấp quốc gia]

Lý giải về việc làm con đường, ông Lợi cho rằng, trải qua các thời kỳ, địa điểm này được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, tuyến đường dẫn vào địa điểm thành lập Hội Nhà báo vẫn là đường đất nên vào những ngày thời tiết mưa bão, người dân đi lại rất khó khăn. Vì thế, Đảng bộ và chính quyền xã Điềm Mặc kêu gọi Hội Nhà báo quan tâm xây dựng con đường vào khu di tích.

“Hội Nhà báo đã phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ kinh phí làm đường. Việc khánh thành đường giúp di tích lịch sử quốc gia trở thành điểm đến của đông đảo người làm báo gặp gỡ, giao lưu,” ông Lợi cho hay.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đã chung tay góp một phần nhỏ trong việc xây dựng tuyến đường vào khu di tích, từ đó giúp người dân địa phương và những người làm báo đi lại thuận tiện khi thăm lại khu di tích, ôn lại truyền thống hào hùng của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lương Văn Lành, Bí thư huyện Định Hóa (Thái Nguyên) cho rằng, công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo mỹ quan, là món quà có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội mà còn là truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân huyện Định Hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục