Khấp khểnh cầu-đường, gian nan vận chuyển hàng

Hạ tầng giao thông yếu kém, quy định xử phạt bất nhất, văn bản pháp luật "đánh" nhau đang làm cho con đường vận chuyển hàng hóa đi về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trở nên gập ghềnh và bế tắc.
Hạ tầng giao thông yếu kém, quy định xử phạt bất nhất, văn bản pháp luật "đánh" nhau đang làm cho con đường vận chuyển hàng hóa đi về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trở nên gập ghềnh và bế tắc.

Xe tải nặng kêu trời vì cầu đường

Việc đan xen các cây cầu có tải trọng khác nhau đang thực sự là một bài toán không có lời giải cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Giao thông đi lại trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 1, 80, 91, tỉnh lộ 30 và đường vào các khu công nghiệp Trà Nóc, Cái Bè -Tiền Gian đang tồn tại thực trạng về sự bất nhất, mâu thuẫn của các biển báo trọng tải cho phép, không cho phép qua cầu và đường.

Cụ thể, biển báo trọng tải của đường được tính theo tải trọng trục xe là 10 tấn/trục, trong khi phần lớn cầu lại cắm biển báo trọng tải theo cách tính trọng tải của xe.

Căn cứ vào các biển báo hướng dẫn đó, các xe vận tải chuyên dụng chở container được phép đi trên tuyến đường khi không quá tải trọng trục, nhưng qua cầu sẽ bị phạt quá tải trọng vì cầu có tải trọng ghi trên biển báo quá thấp so với tổng trọng tải của xe.

Cầu Trà Nóc với biển báo ghi 20 tấn, cầu Bình Thủy 20 tấn, mặc dù đây là những cầu dẫn vào Khu công nghiệp Trà Nóc - Cần Thơ. Tương tự, cầu Voi ở Long An chỉ 20 tấn hoặc nhiều cầu trên quốc lộ 80 vốn dĩ là tuyến độc đạo chạy qua nhiều tỉnh nhưng biển báo tải trọng chỉ từ 18-25 tấn.

Hệ quả là các xe vận tải container chạy thì vi phạm, còn nếu các xe này không chạy vào các khu công nghiệp thì doanh nghiệp vận tải không giao nhận được hàng hóa, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác. Từ đó các doanh nghiệp vận tải buộc phải phạm luật "nhắm mắt… qua cầu", dù như thế là chấp nhận việc cảnh sát giao thông tuýt còi, là rủi ro tiền lãi kiếm được từ chuyến hàng không đủ bù đắp chi phí nộp phạt.

Từ thực tế khó khăn trên, trong thời gian qua đã có hàng loạt doanh nghiệp buộc phải hủy bỏ hợp đồng vận chuyển hàng hóa đi, đến các địa phương, các khu công nghiệp, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lái xe Trần Văn Thành, chuyên chở hàng về các khu công nghiệp ở Cái Bè (Tiền Giang) than thở, cánh tài xế sợ cảnh sát giao thông vì lúc nào cũng mang tâm trạng người vi phạm luật. Thậm chí nhiều trường hợp cảnh sát giao thông lập biên bản sai cũng ngoan ngoãn đồng ý ký vào vì "biết kiểu gì cũng có lỗi".

Một số doanh nghiệp vì hợp đồng đã ký không thể hủy bỏ buộc phải cho xe chạy thì ngoài bị phạt tiền, còn bị tạm giữ phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (30 đến 60 ngày) gây hậu quả nặng nề.

Lái xe container Nguyễn Văn Lành chuyên chở hàng về Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) chua chát nói, 60 ngày thất nghiệp thực sự kinh khủng đối với gia đình chúng tôi: Nợ nần, túng thiếu, con cái nheo nhóc. Hết thời hạn 60 ngày, nếu tiếp tục chạy xe lại bị xử phạt, lại tiếp tục bị giữ giấy phép - trong khi lỗi hoàn toàn thuộc về quy định bất cập của các cơ quan nhà nước.

Cầu-đường là rào cản khu công nghiệp

Hàng loạt bất cập, vô lý trong hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến giới vận tải container gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thái Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nếu cho xe qua cầu thì bị phạt quá tải trọng cầu, hàng hóa có thể buộc phải hạ tải theo quy định của pháp luật hiện hành. Còn nếu không cho xe chạy qua cầu thì không ra, vào được các khu công nghiệp, không giao, nhận hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết với các chủ hàng.

Thậm chí có những cây cầu nằm trên tuyến đường độc đạo (như quốc lộ 80) đi qua nhiều tỉnh, thành phố đẩy doanh nghiệp vận tải vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Các lái xe thường xuyên phải cắn răng chịu phạt là do địa hình đặc thù ở khu vực này, nhiều tuyến đường cầu, cống dày đặc và nhiều cây cầu có chiều dài "ngắn hơn xe" thế nhưng vẫn bị xử phạt quá tải cầu.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết tình trạng giao thông yếu kém trên địa bàn các tỉnh có khu công nghiệp là thực trạng phổ biến từ rất lâu và trở thành điểm yếu cố hữu của giao thông Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự bất cập của hệ thống giao thông, đặc biệt là sự khập khễnh tải trọng giữa cầu và đường đã được các ngành chức năng đề cập nhiều tại các hội nghị, hội thảo nhưng vẫn không hề có dấu hiệu cải thiện.

Nhiều vấn đề bất cập còn xảy ra ngay trong quá trình triển khai các dự án cầu đường, điển hình là Quốc lộ 60 đoạn từ Trung Lương đi Rạch Miễu thi công ì ạch nhiều năm nay; có những thời điểm cấm hẳn xe tải đi qua làm ảnh hưởng đến hoạt động của Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Việc đan xen các cây cầu có tải trọng khác nhau trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cả nước đang thực sự là một bài toán không có lời giải cho các doanh nghiệp vận tải. Tất cả các xe đầu kéo container ở Việt Nam chỉ cần chở chưa tới 1/3 trọng lượng hàng hóa so với thông lệ quốc tế là đã vi phạm pháp luật.

Thực trạng giao thông yếu kém làm cho các doanh nghiệp trong nước ảnh hưởng trực tiếp hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nước ngoài ngần ngại khi muốn đầu tư tại địa phương.

Trước những bất cập của hệ thống cầu, đường và biển báo, mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Cục Đường bộ Việt Nam, nghiên cứu để có hướng dẫn thống nhất dỡ bỏ "barie" cản trở doanh nghiệp vận tải, kìm hãm sự phát triển kinh tế./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục