'Khâu tổ chức thực hiện và nhận thức về pháp luật còn yếu’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa, con người đang cản trở sự phát triển của đất nước, như tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu ra tại hội trường, ngày 31/5.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu ra tại hội trường, ngày 31/5.

“Trình độ khoa học công nghệ quản lý của Việt Nam chưa tốt dẫn tới việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra tại báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại hội trường ngày 31/5.

Nhiều vấn đề tích tụ, tồn đọng

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình khu vực, quốc tế diễn biến hết sức phức tạp cùng với những điều chỉnh lớn của các chính sách của các nền kinh tế lớn đã xuất hiện những yếu tố mới tác động sâu rộng mà tâm điểm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì kết quả Việt Nam đạt được của năm 2018 rất tích cực và đáng ghi nhận.

Cụ thể, tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội, chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao với 9 chỉ tiêu vượt và khẳng định vai trò năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch kinh tế-xã hội (năm 2016 – năm 2020).

[Đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Đầu tư công]

Tuy nhiên, tại báo cáo của Bộ trưởng cũng nhìn nhận, mặc dù Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng kể trong năm 2018, nhưng nền kinh tế vẫn đang còn tồn tại hạn chế, trong đó có những vấn đề đã tích tụ tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều khắc phục được ngay. Nổi bật là cấu trúc hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhất là hạ tầng về kỹ thuật, kinh tế - xã hội.  

“Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực,” ông Dũng nhấn mạnh.

Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi những cải cách mới

Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự thâm nhập sâu và tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, song quá trình chuyển đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi và còn nhiều hạn chế.

Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ tạo ra tác động rõ nét tới các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam. Những tác động này đã làm thay đổi quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất, quan hệ xã hội, quy cách ứng xử, nhận thức và các chuẩn mực xã hội. Theo đó, xu thế này còn tác động biến đổi về văn hóa, xã hội, môi trường và diễn ra nhanh, phức tạp, nảy sinh nhiều khó khăn… đặt ra nhiều yêu cầu mới về cải cách, tư duy quản lý, đổi mới bộ máy, công cụ quản lý để thích ứng và theo kịp.

Theo Bộ trưởng, những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa, con người đang cản trở sự phát triển của đất nước như tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, vi phạm trong một số lĩnh vực về xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính nghiêm minh khi thực thi pháp luật.

“Tôi xin nhấn mạnh ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật và nhận thức về vấn đề thực thi pháp luật của chúng ta đang còn rất yếu, đang đặt ra những thách thức rất lớn, cần được quan tâm, ưu tiên giải quyết cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như thực hiện pháp luật đã được quy định,” ông Dũng phát biểu.

Do đó để có được những kết quả như mong đợi, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phải có vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.

“Trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau nhưng có những địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thực hiện không tốt, như về giải ngân hay về tệ nạn xã hội hay tai nạn giao thông, nơi nào lãnh đạo địa phương tổ chức thực hiện tốt thì nơi đấy sẽ hoàn thành, không để tồn tại, bất cập xảy ra,” ông nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục