Khi Ấn Độ 'có chân' trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Là một nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Ấn Độ muốn phô diễn hình ảnh là một "cổ đông toàn cầu có trách nhiệm" và không có nền tảng nào tốt hơn Hội đồng Bảo an để New Delhi thực hiện điều này.
Toàn cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng orfonline.org đã đăng tải bài bình luận về vai trò, vị trí của Ấn Độ khi đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tháng 1/2021 cùng với 4 quốc gia khác là Na Uy, Mexico, Ireland và Kenya.

Đây là lần thứ 8 Ấn Độ "có chân" trong cơ quan đầy quyền lực này, và New Delhi dường như đã sẵn sàng hơn bao giờ hết để đóng góp nỗ lực và trách nhiệm của mình trong sứ mệnh quản trị toàn cầu thông qua Hội đồng Bảo an.

New Delhi nhanh chóng tuyên bố rằng nước này muốn tận dụng khoảng thời gian đảm nhiệm vai trò quan trọng này "để đưa ra những giải pháp mang tính bao hàm và tập trung vào yếu tố con người để xử lý những vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế."

Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn đại diện cho tiếng nói "của các nước đang phát triển" khi đảm nhiệm cương vị nói trên.

Khi tái khẳng định cam kết nước này sẽ "lên tiếng phản đối những kẻ thù chung của loài người như chủ nghĩa khủng bố," Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết "thay đổi chủ nghĩa đa phương".

Tại thời điểm mà chủ nghĩa đa phương và vấn đề quản trị toàn cầu đang đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất trong giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2, việc một quốc gia như Ấn Độ thúc đẩy nỗ lực và gánh vác trọng trách đối phó với thách thức này có ý nghĩa quan trọng.

Là một nước lâu nay ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Ấn Độ muốn phô diễn hình ảnh của mình là một "cổ đông toàn cầu có trách nhiệm" và không có nền tảng nào tốt hơn Hội đồng Bảo an để Ấn Độ thực hiện điều này.

Tuy nhiên, thế giới ngày nay biến đổi nhanh chóng. Về mặt cấu trúc, chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của các nhóm cường quốc mới vốn không giống bất kỳ sự tập hợp các nước lớn nào từng xuất hiện kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Một Trung Quốc trỗi dậy đang thách thức những nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới tự do.

Trong khi đó, sự ủng hộ của người dân trong nước đối với hoạt động can dự mở rộng trên phạm vi toàn cầu của Mỹ lại rớt xuống mức thấp nhất.

Do đó, về mặt thể chế và quy phạm, một trật tự thế giới mới đang nổi lên theo cách phá vỡ trật tự cũ và điều này sẽ tái định hình cách thức mà chúng ta vốn quen áp dụng khi diễn giải môi trường chiến lược.

Chúng ta đang bước vào thời kỳ phân tách kinh tế. Có những quan điểm cho rằng toàn cầu hóa đã hình thành nên những lực lượng đối đầu trong quá trình hợp tác thương mại và công nghệ.

Vì vậy, đàm phán thương mại giờ chỉ diễn ra giữa các nước đối tác và bạn bè.

Tín nhiệm của các thể chế đa phương toàn cầu đang tụt xuống mức thấp nhất, dẫn đến sự nổi lên của "những liên minh có cùng thiện chí."

Đại dịch COVID-19 và những tác động của nó đã thúc đẩy những xu hướng này diễn ra nhanh hơn.

Chính Ấn Độ cũng đang tìm cách để tái xác định vai trò toàn cầu của mình theo cách giúp nước này thể hiện vai trò lớn hơn trong việc định hình luật chơi trong trật tự toàn cầu.

Do đó, Ấn Độ đã thay đổi cách tiếp cận của mình đối với chủ nghĩa đa phương khi đóng vai trò là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

Ngoài ra, sự thay đổi cách tiếp cận này cũng xuất từ những kết quả trên mặt trận ngoại giao đa phương mà nước này mong muốn đạt được khi đảm nhiệm vai trò nói trên.

Khi Ấn Độ 'có chân' trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đó, New Delhi đã thẳng thắn và sâu sắc hơn khi đưa ra những hạn chế mà nền tảng đa phương này cần khắc phục.

Điều này được phản ánh qua việc Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar khuyến nghị rằng Hội đồng Bảo an cần "cải tổ" và cần có sự tham gia đa dạng trong ban lãnh đạo của Liên hợp quốc để thể hiện sự đại diện tốt hơn.

[5 nước trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ]

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng kêu gọi Liên hợp quốc đánh giá lại vai trò của mình trong bối cảnh thế chế đa phương lớn nhất thế giới này đang đối mặt với "một cuộc khủng hoảng niềm tin."

Ông Modi cũng kêu gọi Liên hợp quốc đưa ra một khuôn khổ mới của chủ nghĩa đa phương để có thể "phản ánh thực tế hiện nay, tất cả các nước đều có quyền bày tỏ tâm tư nguyện vọng, giải quyết những thách thức đang tồn tại và tập trung vào sự thịnh vượng của con người."

Ngoài ra, Thủ tướng Modi cũng đặt câu hỏi về việc liệu Ấn Độ sẽ bị gạt ra khỏi các cấu trúc ra quyết định của Liên hợp quốc trong bao lâu nữa.

hỏi này cho thấy New Delhi ngày càng nóng lòng chờ đợi Liên hợp quốc tiến hành cải tổ.

Nhiều ý kiến ở Ấn Độ cho rằng hiện chưa có bằng chứng cho thấy trật tự đa phương toàn cầu hiện nay sẽ có thể tự làm mới mình để đối phó và xử lý những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng cũng như những thách thức an ninh mới nổi.

Những thông điệp của Thủ tướng Modi phát đi một cảnh báo ngầm đối với Liên hợp quốc rằng mặc dù New Delhi luôn giữ niềm tin cố hữu vào trật tự đa phương toàn cầu, song việc Ấn Độ không được tham gia vào các cấu trúc ra quyết định của Liên hợp quốc và cơ quan này không tiến hành cải cách thực sự có thể buộc Ấn Độ phải tìm kiếm những lựa chọn khác.

New Delhi sẽ tận dụng cơ hội đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hiện nay để thúc đẩy một số quan ngại chính của mình tại các diễn đàn và chương trình nghị sự toàn cầu.

Cùng với sự thay đổi trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của mình theo xu hướng đi theo chủ nghĩa thực dụng hơn, New Delhi cần từ bỏ ý tưởng làm thay đổi thế giới.

Thay vào đó, Ấn Độ cần tập trung mạnh mẽ và sâu sắc hơn vào việc làm thế nào để tận dụng vị thế này tại Hội đồng Bảo an để có thể thúc đẩy những lợi ích chiến lược cốt lõi của mình.

Trong nhiệm kỳ của mình, Ấn Độ có thể làm được rất nhiều việc để đạt được những lợi ích nói trên, từ việc nâng cao vị thế và vai trò của mình đến việc nhắm đến những vấn đề như chủ nghĩa khủng bố và an ninh hàng hải đến việc thiết lập sự kết nối với châu Phi.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế về tình trạng chia rẽ giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an hiện nay đang ở mức sâu sắc nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Điều này sẽ cản trở việc triển khai hoặc xử lý bất kỳ vấn đề quan trọng nào liên quan lĩnh vực quản trị toàn cầu.

Chắc chắn, New Delhi cần tiếp tục yêu cầu Hội đồng Bảo an trở thành thể chế quốc tế đại diện tốt hơn cho một thế giới đang thay đổi.

Đồng thời, sẽ là khôn khéo hơn nếu Ấn Độ chỉ sử dụng vốn liếng ngoại giao của mình ở mức giới hạn khi xử lý những vấn đề có tác động trực tiếp đến những lợi ích của nước này.

Đường hướng đối ngoại của New Delhi cần được triển khai theo hướng đưa nước này trở nên hùng mạnh hơn, xét cả về năng lực, thể chế và đề xuất ý tưởng.

Chỉ cần làm được như vậy đã có thể giúp Ấn Độ trở thành một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc quản trị toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục