Khi ASEAN gắn chặt với chính sách thương mại châu Á

Con đường mà ASEAN và các đối tác Đông Á đã chọn là nỗ lực nhằm thay đổi cuộc chơi trong việc đẩy lùi làn sóng chủ nghĩa biệt lập vốn được khơi mào bởi chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ...
Khi ASEAN gắn chặt với chính sách thương mại châu Á ảnh 1(Nguồn: The Jakarta Post)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, hệ thống thương mại toàn cầu có nguy cơ tan vỡ dưới thời Chính quyền Mỹ Donald Trump với cuộc công kích nhằm vào các nguyên tắc giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xé toạc những luật lệ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như không có khả năng bảo vệ mình một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đó là đích thị là những gì đã xảy ra.

Nhật Bản đã dẫn dắt Australia và các nước khác thúc đẩy mạnh mẽ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm giúp duy trì hoạt động thương mại đa phương tại khu vực trong bối cảnh Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo của các nước như Nhật Bản và Australia lại yếu ớt trong nỗ lực bảo vệ cơ chế thương mại đa phương trong bối cảnh họ phải đối phó với chủ nghĩa song phương quyết liệt của Mỹ kèm theo đó là những hạn chế trong việc bảo vệ những mối quan hệ đồng minh của Washington.

[Nhìn lại thế giới năm 2019: Sự phục hồi lặng lẽ của ASEAN]

Hồi tháng 11, trong khuôn khổ các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN ở Bangkok, các nước đã tuyên bố họ sắp đạt được một thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và có ý định ký kết hiệp định này vào năm 2020. Tuy nhiên, nỗi bất an về tình hình chính trị trong nước đã khiến Ấn Độ rút khỏi hiệp định này vào phút chót.

Đây là thời khắc mang tính quyết định đối với các vấn đề chính trị và kinh tế toàn cầu và khu vực. Con đường mà ASEAN và các đối tác Đông Á đã chọn là nỗ lực nhằm thay đổi cuộc chơi trong việc đẩy lùi làn sóng chủ nghĩa biệt lập vốn được khơi mào bởi chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đồng thời ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương.

RCEP là một tín hiệu tích cực trong một môi trường thương mại bị chia rẽ. Nói cách khác, khi thế giới chia rẽ, thì châu Á lại sát cánh bên nhau. RCEP không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn là một thỏa thuận hợp tác kinh tế.

RCEP kết nối các nước với nhau, các nước vốn chưa từng được liên kết trước đây bởi hiệp định thương mại tự do nào. Quan trọng hơn, RCEP biến một khu vực thương mại vẫn phát triển năng động nhất thế giới thành cuộc theo đuổi chung đối với các mục tiêu và lợi ích toàn cầu.

Chiến thắng RCEP là do chính ASEAN tạo ra. Chiến thắng này không chỉ là sự đóng góp duy nhất của ASEAN đối với nỗ lực đảo ngược xu hướng nguy hiểm trong hoạt động ngoại giao kinh tế quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6, Indonesia đã đưa ra những ý tưởng quan trọng bảo vệ WTO và định hình một lộ trình cải cách WTO trong tương lai mà không một nước lớn nào khác có thể đưa ra ý tưởng của mình.

Sáng kiến của Indonesia tạo nền tảng để các nước tầm trung và nhỏ hơn thực hiện hành động tập thể ở phạm vi rộng lớn hơn nhằm bảo vệ những lợi ích của họ trước những luật lệ thương mại toàn cầu đã được định hình đồng thời cải thiện chức năng của hệ thống thương mại đa phương.

Trong một bài viết tuần này, học giả Kishore Mahbubani cho rằng không ai nhận ra được việc ASEAN đã thầm lặng và kiên định kiến tạo hòa bình cho một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới.

Và chính sự lãnh đạo kiêm tốn và thầm lặng của ASEAN đã giúp khối này thực hiện thành công một trong những quyết định lớn lao nhất trong lịch sử kinh tế gần đây khi tuyên bố hoàn thành các vòng đàm phán RCEP.

Học giả Mahbubani cũng cảnh báo rằng các chính sách Hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ “sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa gì nếu nước này không tham gia RCEP.”

Các lực lượng chính trị theo đường lối dân tộc và bảo hộ trong nước đã cản trở Thủ tướng Modi ký kết RCEP vào phút chót, khiến Ấn Độ một lần nữa trở thành “kẻ phá bĩnh” thỏa thuận thương mại quốc tế. Cái giá của quyết định này đối với Ấn Độ không hề nhỏ.

Nền kinh tế đang suy giảm của Ấn Độ rất cần có động lực tăng trưởng mà những cải cách được kích thích bởi RCEP sẽ đem lại sự tăng trưởng trong dài hạn, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động gia tăng và xóa đói giảm nghèo.

Khi không có Ấn Độ, đã có những tin tức về việc Nhật Bản do dự về RCEP. Sự do dự như vậy là không khôn khéo. Vì nếu Nhật Bản rút khỏi RCEP thì đồng nghĩa với việc nước này rũ bỏ vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu vốn được thể hiện gần đây qua việc Tokyo cứu vớt TPP và tổ chức thành công thượng đỉnh G20. Rút khỏi RCEP cũng gây hủy hoại mối quan hệ của Nhật Bản với ASEAN.

ASEAN dốc lòng và kiên định tìm cách thiết lập một cơ chế can dự thông suốt ngay cả khi Ấn Độ không tìm ra cách thức để tham gia RCEP ngay lập tức. Việc ASEAN tiếp tục đóng góp thầm lặng cho môi trường chiến lược trong khu vực giúp khối này quản lý được những mối quan hệ với các nước lớn ở ngoài phạm vi khu vực Đông Nam Á đồng thời củng cố vai trò của ASEAN là một trụ cột chiến lược khu vực.

Với việc Australia và Nhật Bản đang nỗ lực tìm cách để tái định hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm duy trì sự can dự của Mỹ và lôi kéo Ấn Độ vào khu vực, ASEAN đã mất cả năm 2019 vừa qua để soạn thảo tầm nhìn của mình đối với ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục tiêu bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực.

Tài liệu mang tên Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là cách mà khối này trình bày quan điểm của mình trước các quan niệm khác biệt mà Mỹ, Nhật Bản và Australia đưa ra vốn có thể gây chia rẽ khu vực.

Tầm nhìn ASEAN được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của ASEAN. Quan trọng hơn, tầm nhìn này mang tính bao hàm và đưa vào khía cạnh kinh tế và phát triển, hai khía cạnh chủ chốt thể hiện sự xa rời rõ ràng đối với khái niệm an ninh hàng hải vốn coi Trung Quốc là một chiến lược ngăn chặn.

Đối với ASEAN, RCEP là một công cụ giúp thể chế hóa tất cả mục tiêu trong tầm nhìn ASEAN nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục