Khí hậu mùa Hè hạn chế không đáng kể sự lây lan của dịch COVID-19

Theo nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ), dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát mạnh ở những vùng có khí hậu ẩm hơn và thời tiết của mùa Hè sẽ không hạn chế đáng kể sự lây lan của dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Princeton (Mỹ), nhiệt độ tăng cao vào mùa Hè tại khu vực bán cầu Bắc không thể hạn chế đáng kể sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một số nghiên cứu thống kê được thực hiện trong vài tháng gần đây cho thấy có chút tương quan giữa khí hậu và virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cụ thể là nếu khí hậu trở nên nóng ẩm hơn, thì khả năng lây lan của loại virus này dường như cũng giảm đi.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những phát hiện bước đầu, còn mối liên hệ chính xác giữa khí hậu và đại dịch COVID-19 hầu như chưa được làm rõ.

[Dịch COVID-19 đến 6h sáng 19/5: Gần 320.000 người tử vong]

Nghiên cứu của Đại học Princeton không loại bỏ hoàn toàn sự tương quan nói trên, song đã đưa ra kết luận rằng ảnh hưởng của khí hậu đối với khả năng lây lan của loại virus này chỉ ở mức "khiêm tốn."

Nghiên cứu cho biết, nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, dịch bệnh có thể bùng phát mạnh ở những vùng có khí hậu ẩm hơn và thời tiết của mùa Hè sẽ không hạn chế đáng kể sự lây lan của dịch bệnh.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành những mô phỏng về phản ứng của virus SARS-CoV-2 đối với các dạng khí hậu khác nhau, và đưa ra các kịch bản dựa trên tác động của khí hậu đối với các chủng virus tương tự.

Trong cả ba kịch bản, khí hậu chỉ là yếu tố có tác động làm giảm sự lây lan của dịch bệnh khi phần lớn dân số đã có khả năng miễn dịch hoặc có sức đề kháng đối với chủng virus corona mới này.

Nhà khoa học Rachel Baker tại Viện Môi trường học Princeton (PEI), cho biết nhóm nghiên cứu dự đoán rằng khí hậu nóng ẩm hơn không làm chậm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Trong khi khí hậu, mà chủ yếu là khí hậu ẩm, có vai trò nhất định đối với sự lây lan của các chủng virus corona khác và bệnh cúm thông thường, nghiên cứu trên cho biết một yếu tố quan trọng khác là con người chưa có khả năng miễn dịch với COVID-19.

Bà Baker, nhóm nghiên cứu nhận thấy khí hậu có sự ảnh hưởng phần nào tới quy mô và thời gian của dịch bệnh, nhưng do hệ miễn dịch cộng đồng còn rất yếu, nên nhìn chung virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan nhanh trong bất kỳ điều kiện khí hậu nào.

Bà Baker dẫn chứng tình hình dịch bệnh tại các nước như Brazil, Ecuador và Australia, cho thấy điều kiện khí hậu ấm hơn có tác động rất nhỏ trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục