Khi kế hoạch B3W của Mỹ thách thức sáng kiến BRI của Trung Quốc

Sáng kiến B3W được cho là kế hoạch tài trợ cơ sở hạ tầng “định hướng theo giá trị, tiêu chuẩn cao và công khai minh bạch” thách thức BRI của Trung Quốc.
Khi kế hoạch B3W của Mỹ thách thức sáng kiến BRI của Trung Quốc ảnh 1Đường phố ở Quảng Châu, Trung Quốc. (Nguồn: Flickr)

Theo bài viết trên báo The Straits Times, với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã được triển khai ở tất cả 5 châu lục, kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) non trẻ của Mỹ phải đối mặt với những thách thức gây nản lòng nhưng lại là tin tức tốt đẹp cho các quốc gia đang phát triển.

Nội dung phân tích như sau:

Tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gần đây ở Vương quốc Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một thách thức đối với BRI bằng mối quan hệ đối tác B3W.

Trong khi G7 vẫn đang trong quá trình đưa ra những đề xuất theo B3W, sáng kiến này được cho là kế hoạch tài trợ cơ sở hạ tầng “định hướng theo giá trị, tiêu chuẩn cao và công khai minh bạch” thách thức BRI của Trung Quốc.

[Cách châu Âu và Mỹ cạnh tranh với sáng kiến BRI của Trung Quốc]

Phát biểu với báo giới ngay sau khi G7 ký kết B3W, ông Biden đã nói rõ về ý định của kế hoạch này rằng “Trung Quốc có Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường,’ và chúng tôi cho rằng có một cách công bằng hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu của các nước trên toàn thế giới.”

Khi cách tiếp cận theo chủ nghĩa đa phương của ông Biden nhằm đương đầu với Trung Quốc được định hình, động thái mới nhất này từ Mỹ và các đối tác G7 của Mỹ đã làm cho vấn đề tài trợ cơ sở hạ tầng trở thành chiến trường mới, với Mỹ và các quốc gia dân chủ phát triển khác ở một bên và bên kia là Trung Quốc.

Cái tên B3W bắt nguồn từ chương trình đối nội của ông Biden nhưng sứ mệnh của nó lại mang tính toàn cầu.

Theo đánh giá của Nhà Trắng, thế giới đang phát triển cần 40.000 tỷ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng đến năm 2035 - và với BRI đã được triển khai ra tất cả 5 châu lục, vấn đề được đặt ra hiện nay là liệu B3W có sẽ làm giảm được ảnh hưởng của Trung Quốc và đem lại cho các quốc gia đang phát triển vốn đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng một lựa chọn thay thế hay không.

Dự án “con cưng” của Trung Quốc

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, BRI là chính sách đối ngoại đặc trưng của nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

Mục đích ban đầu của nó là gắn Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua một mạng lưới các cảng biển, đường bộ, đường sắt và các trung tâm thương mại, tương tự như các tuyến đường thương mại cổ xưa.

Tuy nhiên, khái niệm này sau đó đã mở rộng bao gồm các lĩnh vực khác, trong đó có cơ sở hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số (cái mà Trung Quốc gọi là Con đường tơ lụa số), hợp tác và viện trợ y tế (Con đường tơ lụa y tế).

Khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, Trung Quốc đã tận dụng BRI cho ngoại giao vaccine và y tế, gửi vaccine và các trang thiết bị y tế đến các nước BRI theo Con đường tơ lụa y tế.

Những lời chỉ trích về BRI được nhiều người biết đến: Có những hoài nghi về ý định địa chính trị của Trung Quốc, và những cáo buộc rằng Bắc Kinh tài trợ cho những dự án gây ô nhiễm và cung cấp cho các nước nghèo những khoản vay khiến họ phải phục tùng Trung Quốc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng lên cùng với sự hiện diện của BRI - nó mở rộng ra hơn 138 nước, và Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ USD để tài trợ cho các dự án này.

Tháng Ba vừa qua, Hội đồng quan hệ đối ngoại - một tổ chức tư vấn chiến lược của Mỹ, đã chỉ ra mối đe dọa tiềm tàng từ BRI trong một báo cáo dài 176 trang. Báo cáo cho rằng BRI đã gây ra một thách thức đáng kể cho những lợi ích kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh và y tế toàn cầu của Mỹ.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện Đông Á (EAI) thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore Yu Hong nhận định bằng việc đưa ra B3W, Washington đang tỏ rõ dấu hiệu cho thấy họ không còn phớt lờ ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của BRI - là nền tảng cho việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chiến trường mới

Quả thực, khu vực Đông Nam Á có thể trở thành một chiến trường then chốt cho cả B3W và BRI. Vì một lẽ khu vực đang phát triển nhanh chóng này có nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cần từ 2.800 tỷ USD đến 3.100 tỷ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030.

Hiện nay, hai nhà tài trợ hàng đầu cho cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á là Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo một báo cáo năm 2019 của hãng Fitch Solutions, các dự án cơ sở hạ tầng do Nhật Bản hỗ trợ trong khu vực có giá trị 367 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc là 255 tỷ USD.

Tuy nhiên, những sự đầu tư theo BRI của Trung Quốc vào khu vực đã và đang tăng lên nhanh chóng, từ 16,69 tỷ USD năm 2014 lên 25,8 tỷ USD năm 2019 trước khi dịch COVID-19 bùng phát (theo số liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ trích dẫn từ những khoản đầu tư toàn cầu của Trung Quốc).

Và bất chấp những sự đầu tư BRI giảm mạnh vào năm 2020 xuống còn 16,67 tỷ USD trong thời kỳ dịch bệnh, Đông Nam Á vẫn trở thành điểm đến đầu tư lớn nhất của Sáng kiến này, chiếm 36% tổng đầu tư.

Theo Tiến sỹ Kaho Yu thuộc công ty nghiên cứu Verisk Maplecroft, đối với Trung Quốc, Đông Nam Á với vị trí nằm ở khu vực ngoại vi của nước này là một khu vực ưu tiên và những đầu tư của BRI ở đây được cho là sẽ tăng thêm.

Điều này một phần do dịch COVID-19 khiến thái độ của phương Tây về Trung Quốc trở nên tồi tệ, rất nhiều sự đầu tư của Trung Quốc đang được hướng sang các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á.

Tuy vậy, điều đó không phải để nói rằng BRI diễn ra suôn sẻ ở khu vực này. Những sai lầm của nó đã khiến nhiều nước xem xét lại những ý định của BRI với sự thận trọng. Điều này có thể đem lại không gian cho B3W. Ví dụ dự án Liên kết đường sắt Bờ Đông (ECRL) nối các cảng biển ở Bờ Đông và Bờ Tây bán đảo Malaysia.

Dự án trị giá 16 tỷ USD này đã bị Chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad “đóng băng” vào năm ngoái do chi phí cao và tham nhũng, và chỉ được khởi động lại khi Bắc Kinh đồng ý giảm 1/3 chi phí.

Ở Lào, dự án đường sắt Trung Quốc-Lào trị giá 5,9 tỷ USD đã khiến nợ quốc gia của đất nước Đông Nam Á này tăng vọt và Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Lào sau một khoản vay từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc chiếm tới 80% chi phí dự án.

Vị trí của BRI

Tuy nhiên, cũng cần xem xét xem BRI đã tạo ra cho mình một vị trí trong khu vực như thế nào.

Phó Giáo sư Alvin Camba từ Trường nghiên cứu quốc tế Korbel thuộc Đại học Denver, người đã nghiên cứu về các dự án BRI của Trung Quốc ở Philippines, cho rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh không can thiệp vào những mục tiêu và lợi ích chính trị của các chính trị gia địa phương đã khiến các nhà lãnh đạo này lựa chọn hợp tác với Trung Quốc thay vì các nhà cho vay khác.

Trích dẫn dự án Đập Kaliwa và Dự án bơm tưới sông Chico, ông nhận xét Tổng thống Philippines Rodrigo Durterte đã lựa chọn làm việc với Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản vì Trung Quốc công khai việc xúc tiến nhanh những dự án này để chúng được hoàn thành trong nhiệm kỳ hiện nay vốn kết thúc vào cuối năm 2022 của ông Duterte.

Theo Giáo sư Camba, những nhà cho vay khác, như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) hay ADB, có những tiêu chuẩn khắt khe hơn về xã hội hay môi trường hoặc những biện pháp chống tham nhũng - tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của các nhà lãnh đạo chính trị.

Chuyên gia cấp cao Raffaello Pantucci thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam đã lưu ý rằng BRI mở hơn đối với việc tài trợ cho các dự án mà các nhà cho vay quốc tế khác không coi là “bền vững hay khả thi."

Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh cách tiếp cận của mình.

Tiến sỹ Yu của EAI nêu ví dụ Bắc Kinh đã cho thấy sự linh hoạt trong việc đàm phán lại chi phí đối với một số dự án nhất định, như việc cơ cấu lại chi phí đối với ECRL ở Malaysia.

Năm 2020, Bắc Kinh đã cùng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hoãn trả nợ cho 77 quốc gia đang phát triển trong bối cảnh các nước này chịu sức ép kinh tế do dịch bệnh.

Theo Tiến sĩ Yu, đây rõ ràng là sự đáp lại một số hoài nghi và chỉ trích trong khu vực và quốc tế về BRI.

Nếu mục tiêu của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng của mình, thì khi đó họ cần biết rằng họ phải giải quyết những chỉ trích này; nếu không, Bắc Kinh sẽ bắt đầu làm suy yếu uy tín quốc tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, B3W cũng phải đối mặt với những thách thức riêng của nó. Những chi tiết của chương trình vẫn chưa được đưa ra - các nguồn tài trợ vẫn còn mơ hồ, các hình thức cho vay và dự án sẽ được tài trợ cũng vậy. Việc thu hút các thành viên khác nhau - một số trong đó như Nhật Bản và Đức đã có các sáng kiến tài trợ cơ sở hạ tầng song phương của riêng mình – cũng sẽ cần rất nhiều công sức.

Nhưng thách thức lớn nhất mà B3W sẽ phải đối mặt là liệu nó sẽ có thể kéo dài qua nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden hay không.

Nhà Trắng cho biết B3W sẽ tập trung vào các dự án trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ số và bình đẳng giới - hầu như không có gì ngạc nhiên vì đây là những ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.

Nếu B3W có ý định đặt ra thách thức có ý nghĩa đối với BRI của Trung Quốc, thì khi đó nó phải tồn tại lâu hơn và kéo dài qua nhiệm kỳ chính quyền hiện nay.

Nếu nó có thể làm được như vậy, thì nó sẽ có ý nghĩa là một sự lựa chọn mới cho việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Đó có thể là tin tốt đẹp cho các quốc gia đang phát triển không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn ở các khu vực khác của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục