​Khi nhà quản trị phải ''ôm đầu, bó gối'' trước ''con virus''

‘Nhà máy đã có những biện pháp chủ động và tuyên truyền tích cực cho người công nhân phòng chống dịch. Tuy nhiên, nếu công nhân bị nhiễm bệnh, nhà máy sẽ bị phong tỏa thì đó là điều bất khả kháng.’
​Khi nhà quản trị phải ''ôm đầu, bó gối'' trước ''con virus'' ảnh 1Kiểm tra sức khỏe của công nhân trước khi vào xưởng tại Công ty Hagimex. (Ảnh CTV/Vienam+)

Mặc dù hầu hết các nhà quản trị đang rất nỗ lực vận hành công ty vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhưng trước những diễn biến phức tạp và mức độ lan rộng của đại dịch COVID-19, nhiều người bắt đầu lo ngại đến những kịch bản xấu có thể xảy ra

Và mặc dù nhà máy vẫn đang chạy hết công suất, nhưng điều ông Nguyễn Trường Nghĩa, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Chế biến nông sản Việt Xanh (Ninh Bình) quan tâm nhất vào lúc này là ý thức phòng chống bệnh của công nhân.

Nỗi lo… bất khả kháng

Ông Nghĩa cho biết công ty đã gửi thư cho tất cả các đối tác chia sẻ tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại Việt Nam và cam kết nỗ lực thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng hợp đồng ký kết. Song, nội dung thư cũng dự báo với khách hàng về các trường hợp bất khả kháng như người lao động của công ty không may mắc bệnh dịch thì nhà máy sẽ bị đóng cửa và ngừng sản xuất.

“Nhà máy đã có những biện pháp chủ động và tuyên truyền tích cực cho người công nhân phòng chống dịch. Tuy nhiên, nếu công nhân bị nhiễm bệnh, nhà máy sẽ bị phong tỏa thì đó là điều bất khả kháng, chúng tôi hoàn toàn mất chủ động,” ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất-Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ và Nông sản tổng hợp- Hagimex (Hà Nam) cũng có chung tâm trạng trên, bởi dù công ty đã sớm có những biện pháp ứng phó với dịch bệnh, như khu vực văn phòng làm việc online, quản lý chặt chẽ công nhân hơn và mọi hoạt động vẫn đang trôi chảy, song cũng không thể dám chắc được điều gì.

“Chúng tôi đã chuẩn bị lương thực, thực thực phẩm để có thể ăn, ngủ, nghỉ tại Nhà máy khi phương án xấu nhất xảy ra. Các lãnh đạo công ty cũng đã chia tách ra khi điều hành nhằm ứng phó trong các trường hợp có thể bị cách ly,” ông Tiến Anh nói.

Song, việc làm cho ông Tiến Anh thực sự lo lắng là các đối tác nhập khẩu đang hủy đơn hàng, như khách hàng Hàn Quốc đã dừng hơn chục container “dưa thái lát” do bán chậm hơn tại các khu vực nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu và Mỹ mặc dù vẫn xuất đi được nhưng tất cả các lô hàng vận chuyển đều bị chậm lại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như làm tăng chí phí trên mỗi đơn hàng.

[Doanh nghiệp ứng phó trong kinh doanh, tìm kiếm cơ hội giữa đại dịch]

Bà Lê Thị Hương, Phó giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn cũng trong tâm trạng lo âu khi sản phẩm chủ lực là nghệ bán tại các kênh phân phối siêu thị và nhà thuốc đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện nguồn thu chính của công ty chỉ còn từ các kênh bán hàng online.

“Hơn nữa, từ Tết đến giờ, chúng tôi không có một đơn hàng xuất khẩu nghệ organic nào,” bà Hương than phiền.

​Khi nhà quản trị phải ''ôm đầu, bó gối'' trước ''con virus'' ảnh 2Người dân vận chuyển nghệ hữu cơ đến địa điểm tập trung thu mua-Công ty Nông sản Bắc Kạn (Ảnh CTV/Vienam+)

Bí bách vì cạn vốn

Do hoa hồi là một trong những nguyên liệu để sản xuất dược phẩm chống các loại bệnh cúm nên Công ty sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vina Samex) đã nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Huyền-Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam, cho hay từ trung tuần tháng Ba trở lại đây, tình hình dịch bệnh lan rộng ra nhiều nước đã ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế. Việc giao hàng chậm khiến cho chi phí lưu kho tại cảng ở châu Âu tăng lên rất cao. Trong nước, lúc này cũng đang là vụ thu hoạch hoa hồi nên hàng tồn kho rất lớn. Dòng vốn ứ đọng đang gây sức ép cho công ty trong việc thanh toán tiền mua nguyên liệu với người nông dân.

Cùng chung “nỗi thống khổ,” chị Lê Thị Thương-Phó giám đốc Công ty Hồ tiêu Việt, cho hay do dịch bệnh, các lô hàng gửi sang thị trường Mỹ cũng bị cách ly dẫn đến việc đối tác thanh toán chậm, dòng tiền của công ty trở nên rất khó khăn.

 “Hàng hóa xuất cảng càng nhiều, vốn lưu động càng tăng trong khi lãi suất vay bằng USD tại các ngân hàng đang lên,” chị Thương than thở.

Tương tự, ông Trần Văn Hiếu-Giám đốc Công ty phát triển Nông nghiệp và Tư vấn môi trường-Dace, cho biết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang rất bí bách vì không thể xuất khẩu hàng sang các thị trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Lượng hàng tồn kho đã lên đến 30%-40% và vấn đề đặt ra là không những thiếu kho để chứa hàng hóa mà còn nỗi lo về tồn đọng vốn.

“Vừa qua, một số kho lạnh lớn đã gửi công văn thông báo cho doanh nghiệp chuyển hàng đi nơi khác do phải ưu tiên lưu kho các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng đang khó khăn, nhất là khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội đến từ ngày 1/4 đến ngày 15/4. Trong khi hàng nông sản của người nông dân đã đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua cho họ để đảm bảo đời sống an sinh,” ông Hiếu không khỏi lo lắng.

Với việc tăng giá về lưu kho bãi, phí vận chuyển và nguồn vốn bị kẹt vào hàng tồn kho, doanh nghiệp của ông Hiếu đang thực sự lâm vào cảnh khó khăn về tiền mặt.

“Vừa qua, các ngân hàng thông báo các gói tín dụng với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch, song ông Hiếu cho hay công ty chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía các ngân hàng về hỗ trợ chính sách lãi suất cũng như các thủ tục giải ngân. Mới đây nhất, công ty vẫn phải đi vay ngân hàng với lãi suất 9%-10% như trước đây, cho món vay có tài sản thế chấp,” ông Hiếu nói.

Rất có thể, nỗi lo này của ông Hiếu sẽ còn tăng lên nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý 2. Do lúc đó là vụ thu hoạch nông sản của nông dân và doanh nghiệp vẫn phải thu mua hàng đồng thời cộng thêm chi phí lưu kho, lương của người lao động vẫn phải đảm bảo trong khi doanh nghiệp đang cạn dần vốn.

​Khi nhà quản trị phải ''ôm đầu, bó gối'' trước ''con virus'' ảnh 3Công ty Đại Thuận Thiên đóng cửa nhà máy từ ngày 1/4, do thiếu nguồn cung sản xuất đồng thời doanh thu giảm sút do ảnh hưởng từ COVID-19. (Ảnh CTV/Vienam+)

Buộc phải “ngủ đông”

Mỗi ngành nghề, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh lại xuất hiện ở các góc độ khác nhau. Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu  (Nghệ An) cho biết doanh nghiệp đã quyết định “ngủ đông” từ ngày 1/4.

Nguyên do, Vạn Phần là đơn vị sản xuất nước mắm và tình hình dịch bệnh khiến ngư dân không thể ra khơi khiến cho nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty bị khan hiếm. Từ Tết đến nay, doanh nghiệp này luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu và phải sản xuất cầm chừng. Chưa hết, doanh thu bán hàng của công ty tại thị trường nội địa sụt rất giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng thấp đi. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn gặp những hạn chế trong khâu vận chuyển đơn hàng cho khách dẫn đến phải giảm sản xuất và việc làm của người lao động. Cụ thể, công ty có 100 lao động song chỉ duy trì công việc cho khoảng ba mươi người và thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/tháng đã giảm xuống còn khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với các công nhân nghỉ việc, do công ty trả lương khoán nên họ sẽ không được hưởng lương.

[Doanh nghiệp khẩn trương sản xuất trong bối cảnh đại dịch]

“Từ ngày 1/4, Nhà máy đã đóng cửa và toàn bộ công nhân đã tạm thời nghỉ việc. Đến quý hai mà dịch vẫn chưa kết thúc, người lao động của công ty cũng sẽ không có việc làm,” ông Đại buồn rầu.

Tương tự tình huống trên, Nguyễn Hoàng Cung-Giám đốc kinh doanh tại Công ty Đại Thuận Thiên, cũng chia sẻ công ty đã phải dừng thu mua nông sản của người dân và từ chối các đơn hàng vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội do từ ngày 1/4 cho đến ngày 15/4, quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chiến lược kinh doanh của công ty cũng thay đổi, cụ thể sẽ giảm biên chế để hướng tới lực lượng nhân sự trình độ và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, công ty sẽ giảm kênh phân phối là các cửa hàng thay mà vào đó tăng cường phát triển kênh phân phối siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

Rõ ràng, có quá nhiều thách thức đang ở phía trước mà các doanh nghiệp buộc phải đối mặt. Thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp cần phải chú trọng nhiều hơn đến dòng tiền, bởi kinh doanh thua lỗ có thể cầm cự, nhưng nếu cạn vốn, doanh nghiệp sẽ phải dừng “cuộc chơi”./.

Bài 3: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy ‘tất cả mọi thứ đều đang rẻ’? 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục