Quýt làm, cam chịu

Khi nông dân bất chấp sức khỏe người tiêu dùng

Rau muống "mơn mởn", bò thịt đỏ lớn từ chất thải, lợn "siêu nạc" lớn bởi "thần dược"... thực phẩm nhiễm bẩn đang de dọa người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, dư luận đã phải rùng mình trước liên tiếp những thông tin về thực phẩm thiết yếu bị “nhiễm bẩn” do ô nhiễm từ ngay đầu vào. Hồi đầu năm, người tiêu dùng chưa kịp định thần vì bữa ăn hàng ngày bị đe dọa bởi rau muống bẩn. Đến tháng 8, liên tiếp những thông tin về thịt lợn nhiễm hóc-môn hàm lượng cao và nuôi bò bằng… rác càng khiến người dân thêm hoang mang.

“Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần quản lý thực phẩm theo chuỗi, nhất là ở khâu ban đầu,” ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định.

“Quýt làm, cam chịu”

Ngày càng có nhiều lời phàn nàn từ những bà nội trợ rằng, trong thời buổi hiện nay, ra chợ không biết nên chọn thực phẩm nào cho thực sự an toàn.

Còn nhớ, hồi đầu tháng 4, thị trường thực phẩm Hà Nội rơi vào phen khốn đốn khi liên tiếp xuất hiện những thông tin về loại rau muống bị nhiễm độc nặng.

Nguồn gốc của sự việc là một số nông dân “thích đùa” bỗng phát hiện ra rừng rau muống mơn mởn đua lên giữa dòng nước thải đen ngòm của khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên.

Suốt dọc đường từ đầu tỉnh lộ rẽ vào khu công nghiệp, trong những mương nước xả thải của các nhà máy là rau muống nhiều vô kể. Lạ một điều, càng sát những miệng cống xả thải thì rau lại càng xanh non mỡ màng.

Điều đáng nói là, chính những nông dân này lại đóng vai những lái buôn tận tụy khi chính họ cũng không dám sử dụng sản phẩm đó mà ồ ạt chuyển lên Hà Nội.

Số rau này lần lượt được bán cho các tay buôn rau chủ yếu ở Văn Lâm, Mỹ Hào đưa lên Hà Nội đổ cho các hàng cơm, quán bia và những chợ có mật độ người lao động lớn như: Thanh Nhàn, Phúc Xá, Thành Công…

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất mà nông dân khiến người tiêu dùng hốt hoảng.

Tháng 7/2010, nhiều cửa hàng bán thức ăn gia súc tại Đồng Nai đã công khai rao bán loại thuốc tăng trưởng cho lợn với quảng cáo gây sốc: “Tăng tốc, bung đùi, nở mông, nở vai”. Chỉ sau 15 ngày sử dụng sản phẩm, đúng như lời quảng cáo, những chú lợn còi bỗng lớn phổng phao khác thường.

Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng vào cuộc để lật mặt “thần dược” mới phát hiện, đây lại chính là chất tăng trưởng đã bị cấm sử dụng từ năm 2002 vì gây rối loạn chức năng tim, phổi người tiêu dùng.

Giới chăn nuôi tiết lộ, để đối phó với cơ quan chức năng, người chăn nuôi chỉ sử dụng thuốc trong giai đoạn cuối (trước khi xuất chuồng khoảng 15- 20 ngày) nhưng với liều lượng cao hơn. Heo, gia cầm ăn phải chất này ngoài việc tăng trọng nhanh còn có tác dụng tạo cơ bắp nên tỉ lệ nạc cao, màu sắc hồng hào, dễ bán.

Không chỉ vậy, cái lợi trước mặt còn khiến người nông dân nghĩ ra nhiều chiêu tiết kiệm khác thường.

Mới đây nhất, một bãi chăn thả gia súc "đặc biệt" đã được phát hiện tại Thái Nguyên. Trên một bãi rác khổng lồ, hơn trăm con bò ngày ngày vẫn nhởn nhơ gặm… rác.

Trên cánh đồng rác, con nào con nấy đều cố gắng dũi tung từng núi ni-lông tìm thức ăn còn sót lại. Những người nông dân ở đây cho hay, nuôi theo cách này, tuy bò hơi gầy nhưng được cái… tiết kiệm.

Trước những thông tin này, nhiều người tiêu dùng băn khoăn, liệu gia đình mình có an toàn trước những sản phẩm có nguy cơ bị nhiễm bẩn?

Bao giờ có "móng tay nhọn"?


Thừa nhận thực tế, hiện nay, rất nhiều thực phẩm thiết yếu đang có nguy cơ nhiễm bẩn, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, vấn đề cơ bản nằm ở ý thức người nông dân.

“Việc sử dụng các loại chất kích thích cho vật nuôi sau đó lại cung cấp cho người tiêu dùng là một hành động cần lên án,” ông Giao nói.

Theo ông Giao, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Điều này khiến nhiều nông dân vẫn chỉ biết tới cái lợi trước mắt. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, trước hết chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp chuyển biến nhận thức của người dân.

“Khi đã tuyên truyền rồi thì chúng ta phải có sự giám sát, không chỉ từ phía những người có chuyên môn mà còn phải có sự tham gia của chính quyền địa phương, thậm chí ngay từ chính những người nông dân,” ông Giao khẳng định.

Ông Giao cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải có một chế tài nghiêm khắc hơn trong thời gian tới để hạn chế những vi phạm của người nông dân.

“Chế tài xử phạt đã được quy định trong pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi đang xây dựng những chế tài mạnh hơn,” ông Giao cho hay.

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, từ trước đến nay, nhiều nông dân vẫn chăn nuôi, sản xuất theo dạng tự phát, không tuân theo một quy trình nghiêm ngặt.

Vì thế, theo ông Khẩn, hiện chúng ta không những cần một chế tài đủ mạnh, quan trọng hơn là cần kiểm soát thực phẩm theo chuỗi.

“Hiện nay, quan điểm về quản lý đã có thay đổi. Nếu như trước đây ta nhấn mạnh thực phẩm được để ở đâu, có vệ sinh hay không thì bây giờ chúng ta chú trọng tới việc thực phẩm đó có nguồn gốc ra sao,” ông Khẩn phân tích.

Tuy vậy, ông Khẩn cũng quan ngại khi việc quản lý theo chuỗi ở nước ta vẫn chưa thực sự phổ biến. Công tác quản lý vẫn chỉ dừng lại ở chỗ, sản phẩm nào được phát hiện có lỗi thì được thanh kiểm tra, còn lại vẫn “nằm ngoài vùng”.

“Vì vậy, theo tôi, bên cạnh việc xây dựng khung xử phạt cụ thể, điều quan trọng hơn, chúng ta cần có một quy hoạch tổng thể về vấn đề quản lý,” ông Khẩn nói./.

Xuân Dũng - Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục