Khí radon có liên quan tới bệnh ung thư phổi

Nghiên cứu đã chứng minh radon, một loại khí phóng xạ, không mùi, không màu tồn tại khắp nơi trong tự nhiên, có liên quan tới căn bệnh ung thư phổi.

Ủy ban khoa học của Liên hợp quốc nghiên cứu về tác động của khí phóng xạ radon (UNSCEAR) ngày 21/7 đã công bố công trình khoa học, cung cấp bằng chứng về mối liên quan giữa khí phóng xạ radon với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Đây là kết luận khoa học đầu tiên đáng tin cậy về nguy cơ của radon, một loại khí phóng xạ, không mùi, không màu tồn tại khắp nơi và từ lâu vẫn được coi là một nguy cơ đối với sức khỏe con người.

Khí radon là sản phẩm của quá trình phân rã uranium trong tự nhiên và rất khó phát hiện. Khí này thoát lên từ lòng đất qua các kẽ hở trong nền nhà.

Ngoài ra, khí radon còn có thể thoát ra môi trường qua nguồn nước suối và suối nước nóng, tích tụ trong nhà và nơi làm việc.

Các quan chức của UNSCEAR cho rằng phương pháp phòng ngừa đơn giản đối với loại khí độc hại này là phủ tấm nhựa dưới hầm nhà.

Phát hiện khoa học mới này buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng phải cân nhắc về tác hại của khí radon, và có qui định về việc giảm mức khí tại các trụ sở làm việc và tòa nhà.

Một số nước phát triển như Thụy Sĩ và Đức đã tiến hành các công trình nghiên cứu hoặc vẽ bản đồ các khu vực phân bố khí này.

Trung Đông được coi là khu vực có nồng độ khí radon trong nhà thấp nhất thế giới, trong khi nồng độ tại một số nước châu Âu đạt mức cao nhất do sự tồn tại của uranium dưới lòng đất./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục