"Thượng đế" tống tiền

Khi "thượng đế" tìm cách tống tiền doanh nghiệp

Hiện nay, thay vì tìm đến cơ quan chức năng, một số người tiêu dùng lại chọn cho mình cách “đi đêm” với doanh nghiệp hòng kiếm lời.
Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện tình trạng sản phẩm phục vụ tiêu dùng bị tố có những “khuyết tật” như đồ uống có dị vật, sữa căng phồng… mặc dù vẫn còn trong thời hạn sử dụng. Trong những trường hợp này, thay vì tìm đến cơ quan chức năng, nhiều “thượng đế” lại chọn cho mình cách “đi đêm” với doanh nghiệp hòng kiếm lời.

“Làm như thế nghĩa là người tiêu dùng đang đánh mất trách nhiệm đối với chính mình và cả với xã hội,” ông Đỗ Gia Phan, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định.

Những thượng đế… trái tính

Ngày càng có nhiều lời phàn nàn từ phía doanh nghiệp về việc họ bị chính những thượng đế của mình dồn vào thế khó.

Còn nhớ, 1/2010, công ty sữa Vinamilk từng rơi vào phen khốn đốn khi có thông tin sản phẩm của họ bán ra thị trường có nhiễm thuốc diệt cỏ.

Sự việc bắt đầu khi một khách hàng bỗng nhiên gửi tới công ty mẫu sữa với lời khẳng định đó là sản phẩm lỗi của công ty và đòi 100 triệu đồng tiền chuộc.

Trước thông tin này, lãnh đạo Vinamilk đã hoảng hốt vội trình báo cơ quan công an. Sau thời gian điều tra, cơ quan chức năng đã xác minh, số sản phẩm trên đã bị một  thanh niên “phù phép” bằng cách dùng kim tiêm bơm thuốc diệt cỏ vào trong.

Trước đây cũng đã có nhiều vụ việc tương tự, trong đó những thượng đế lại đóng vai những kẻ tống tiền doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau.

Tháng 6/2009, một khách hàng mua phải chai bia nhãn hiệu Tiger chỉ còn 1/3 dung lượng mặc dù chưa khui nắp.

Người này sau đó đã liên lạc với nơi sản xuất là công ty trách nhiệm hữu hạn nhà máy bia Việt Nam nhưng một mực không chịu chuyển chai bia cho Tiger để tiến hành kiểm nghiệm. Thậm chí, khách hàng trên còn yêu cầu phải được bồi thường 2 chỉ vàng 9999.

Phía khách hàng khẳng định, đây hoàn toàn không phải sự vòi vĩnh mà chỉ là sự đền bù thỏa đáng cho cá nhân họ. Tuy nhiên, đại diện của nhà sản xuất lại không đồng ý với yêu cầu của “thượng đế” với lý do “không muốn tạo tiền lệ xấu cho bất kỳ khách hàng nào về sau.”

Thậm chí, có trường hợp, “đánh hơi” thấy lợi nhuận từ việc bắt lỗi các doanh nghiệp, khách hàng còn gom nhặt những sản phẩm lỗi này hòng kiếm lời.

Tháng 7/2009, một người đàn ông tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi đơn lên Văn phòng Người tiêu dùng phía Nam (thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam) trình bày về việc phát hiện vật lạ trong chai Sprite do Coca-Cola Việt Nam sản xuất.

Thế nhưng, sau thời gian tìm hiểu, người này lại khai nhận rằng đã mua lại chai nước trên của 3 anh thanh niên lạ với giá 3 triệu đồng. Ông đề nghị công ty phải bồi thường gấp 5 lần số tiền này, bằng không, ông sẽ tung vụ việc lên báo chí “gây mất uy tín.”

Mới đây nhất, công ty sữa Hà Nội than rằng, công ty bị một khách hàng đòi bồi thường với số tiền lên tới 52 triệu đồng cho 3 hộp sữa bị phồng.

“Mặc dù, chúng tôi đã tìm nhiều cách để liên lạc với khách hàng nhằm giải thích và xin đổi lại số sữa trên nhưng phía họ vẫn một mực không đồng ý,” bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc công ty nói.

“Thiếu trách nhiệm với cộng đồng”

Đánh giá về hành vi “đi đêm” nhằm trục lợi doanh nghiệp của một bộ phận người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan cho rằng đây là hành vi thiếu trách nhiệm với cả cộng đồng.

“Đối với những trường hợp sản phẩm có lỗi, người tiêu dùng có quyền đòi lời giải thích và sự bồi thường từ phía nhà sản xuất. Tuy nhiên, mọi thứ cần đảm bảo sự hợp lý bởi thực tế hiện nay, một số khách hàng đang có những đòi hỏi quá đáng với doanh nghiệp,” ông Phan khẳng định

Theo ông Phan, cũng không loại trừ sản phẩm lỗi là kết quả của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay từ trò chơi khăm của chính khách hàng.

Có trường hợp, người sử dụng khiếu nại một công ty sản xuất xe máy cả nghìn đôla cộng thêm điều khoản cho con đi học nước ngoài chỉ vì chiếc xe người đó đang sử dụng gặp sự cố (?!).

Thậm chí, có khách hàng còn tự tạo bằng chứng giả bằng cách khá tinh vi để tố doanh nghiệp.

“Trước đây, tôi cũng từng bất ngờ khi một khách hàng tố cáo một sản phảm giải khát lại còn nguyên một con gián mặc dù chưa mở nắp,” ông Phan nói.

Lạ một điều là, con gián này vẫn còn  nguyên vẹn, không hề mất bất cứ bộ phận nào. Đích thân ông Phan đã cùng cộng sự tới tận dây chuyền sản xuất để xem xét sự việc.

“Với dây chuyền sản xuất mà chúng tôi đã chứng kiến, nếu có một bộ phận nào đó của con gián trong sản phẩm còn có thể hiểu được. Chứ chuyện còn nguyên cả con gián thì hết sức vô lý,” ông vừa cười vừa nói.

Ông Phan khẳng định, Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo không cho phép người tiêu dùng trục lợi doanh nghiệp bằng các hình thức nhũng nhiễu, mang tính chất tống tiền. Việc mua đi bán lại một sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất hòng kiếm lời là rất đáng phê phán.

“Nếu là một doanh nghiệp làm ăn chân chính, dám thừa nhận lỗi để sửa chữa thì sẽ không có trường hợp họ bị người tiêu dùng đẩy vào thế bí. Các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình,” ông Đỗ Gia Phan cho hay./.

Lưu Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục