Khiếm khuyết trong chiến thuật “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc

Hơn 10 năm qua, Trung Quốc thực hiện chiến lược ngày càng “cơ bắp” trong quan hệ với các nước Đông Á nhưng gần đây, Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng phải sững sờ với chiến lược tấn công quyến rũ.
Khiếm khuyết trong chiến thuật “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng Project-syndicate.org đưa tin, trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược ngày càng “cơ bắp” trong mối quan hệ với các nước Đông Á.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng phải sững sờ với chiến lược tấn công quyến rũ của mình. Vậy điều gì đã thay đổi?

Xét về cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực, có khá nhiều thay đổi xảy ra. Năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không trên quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà nước này gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng với Tokyo. Một năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép các đảo đá nhân tạo lớn ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Năm 2016, Trung Quốc trừng phạt kinh tế Hàn Quốc nhằm đáp trả quyết định của Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.

Thế nhưng giờ đây, cách hành xử kiểu “bắt nạt” các nước trong khu vực dường như đang nhường chỗ cho cách hành xử mang tính ngoại giao.

Cụ thể, hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình chào đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Bắc Kinh. Chuyến thăm của ông Abe đến Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản trong vòng 7 năm qua. Và chuyến thăm được lên kế hoạch của Tập đến Nhật Bản vào năm 2019 sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.

Hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Singapore, nơi ông đã ký một phiên bản sửa đổi của hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Singapore.

Ông Lý Khắc Cường cũng hy vọng sẽ ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn được Bắc Kinh khởi xướng vài năm trước nhằm đáp lại hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

[Chủ tịch Trung Quốc công du một loạt nước trước thềm hội nghị G20]

Cách tiếp cận mới mẻ, ít tính chất đối nghịch này không phản ánh sự thay đổi trong mong muốn và mục tiêu mà giới lãnh đạo Bắc Kinh theo đuổi, mà chỉ là sự thay đổi về bức tranh địa chính trị trong khu vực. Có thể nhận thấy rằng trong vòng 6 tháng qua, Mỹ đã từ bỏ chính sách can dự với Trung Quốc mà Washington thực hiện trong vòng 40 năm qua, thay vào đó là một chiến lược kiềm chế mới.

Đối mặt với cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng với Mỹ, Bắc Kinh đang cuống cuồng giành giật bạn bè ở khu vực Đông Á.

Mặc dù chiến lược ngoại giao tấn công quyến rũ của Bắc Kinh được coi là mới diễn ra, song những đường nét định hình nên chiến lược này đã rất rõ ràng. Trong đó, đặc điểm nổi bật là vấn đề thương mại.

Là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước châu Á, Trung Quốc sẽ trao cho các nước láng giềng của mình những điều khoản làm ăn hấp dẫn, giống như đã làm với Singapore.

Các chiến thuật mới của Trung Quốc cũng bao gồm sự can dự ngoại giao cấp cao ở mức độ thường xuyên hơn, tập trung vào các “diễn viên” khu vực chủ chốt như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam.

Ví dụ, ông Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm Philippines từ ngày 20-21/11 vừa qua. Thông qua các cuộc họp thượng đỉnh và các cuộc họp khác để gặp gỡ giới chức cấp cao, Trung Quốc sẽ nỗ lực vun đắp mối quan hệ thân thiết với các nước láng giềng của mình.

Để hỗ trợ những nỗ lực này, cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã được “chỉ đạo” để “hạ giọng điệu” mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, đồng thời cắt gọt các câu chữ trong các nội dung tài liệu có thể làm các nước láng giềng mếch lòng.

Cuối cùng, Trung Quốc có thể tạm thời kiềm chế đưa ra những tuyên bố và khẳng định của mình về các tranh chấp chủ quyền lãnh hải hiện nay. Ví dụ, Bắc Kinh chưa thể biến Bãi cạn Scarborough thành một đảo đá nhân tạo ở Biển Đông trong tương lai gần, dù Bắc Kinh chiếm giữ bãi này từ Philippines hồi năm 2012.

Tương tự, Trung Quốc có thể tránh việc điều tàu thuyền đến gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, khiến Nhật Bản bất bình.

Khiếm khuyết trong chiến thuật “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc ảnh 2Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: Japan Times/TTXVN)

Các nước Đông Á đã phản ứng tích cực đối với cách hành xử ngoại giao mới này của Trung Quốc và chắc chắn họ sẽ hoan nghênh bất kỳ động thái mềm mỏng nào từ cách hành xử quyết đoán của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, dù đối thoại theo kiểu “củ cà rốt” hay đạt được các thỏa thuận thương mại thì Trung Quốc sẽ không lôi kéo được các đồng minh tin cậy về phía mình, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Mỹ hiện nay.

Không quốc gia nào ở Đông Á muốn sống dưới cái “bóng” của một Trung Quốc bá quyền. Nỗi lo sợ về viễn cảnh đó lâu nay đã góp phần củng cố cho cấu trúc an ninh Đông Á của Mỹ, vốn dựa trên mạng lưới đồng minh song phương và sự triển khai lực lượng quân sự của Mỹ.

Ngoài ra, chính nỗi lo sợ này đã giúp duy trì sự ủng hộ lan rộng ở Đông Á để Mỹ đóng vai trò là một đối trọng chiến lược ở khu vực.

Nếu Trung Quốc muốn thiết lập bạn bè tin cậy trong phạm vi láng giềng của mình, nước này sẽ phải đưa ra những nhượng bộ lớn hơn về các vấn đề an ninh, đặc biệt về tranh chấp lãnh thổ. Ví dụ, việc hòa giải những tuyên bố chủ quyền liên quan quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ là cả một chặng đường dài phía trước để thuyết phục Tokyo rằng Bắc Kinh không gây ra bất kỳ mối đe dọa nguy hiểm nào.

Tương tự, việc Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về tuyên bố của nước này ở Biển Đông sẽ xoa dịu những lo sợ của các nước láng giềng Đông Nam Á.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Tập, người đã cam kết “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại,” sẽ suy tính nhiều để đưa ra những nhượng bộ như vậy.

Khi Trung Quốc có cách tiếp cận đơn thuần mang tính chiến thuật thì nước này sẽ đạt được những lợi ích đơn thuần mang tính chiến thuật. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ gần như là không đủ để đối phó với cuộc xung đột mang tính chiến lược hiện nay với Mỹ khi xét về nỗ lực thiết lập tình hữu nghị với các nước láng giềng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục