Khó khăn cuộc đua ghế Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới

Tedros Adhanom, David Nabarro và Sania Nishtar là những ứng cử viên thay bà Margaret Chan, ngồi vào chiếc ghế giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Khó khăn cuộc đua ghế Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ảnh 1Ba ứng cử viên cho chiếc ghế giám đốc Tổ chức Y tế thế giới. (Nguồn: unaids)

Tối 2​3/5 (theo giờ Việt Nam), 194 thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tiến hành bỏ phiếu chọn Tổng Giám đốc mới thay thế bà Margaret Chan. ​

Ba ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế này đều đưa ra các cam kết cải cách toàn bộ nhằm gia tăng uy tín của WHO. 

Bà Chan, một nhà vật lý học người Hong Kong (Trung Quốc), sẽ kết thúc nhiệm sở ngày 30/6 tới, sau một thập kỷ lãnh đạo WHO ứng phó với một loạt dịch bệnh mới trên thế giới như cúm gia cầm, Ebola và thực thi các chương trình của các thập kỷ trước đó nhằm chống lại bệnh sốt rét, AIDS và suy dinh dưỡng.

Đây cũng sẽ tiếp tục là thách thức y tế phức tạp mà lãnh đạo mới của WHO sẽ phải gánh vác. 

Trong số 3 ứng cử viên, có cựu Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Y tế Ethiopia Tedros Adhanom, 50 tuổi, một chuyên gia về bệnh sốt rét. Nếu chiến thắng, ông sẽ trở thành người châu Phi đầu tiên lãnh đạo WHO.

Người thứ hai là bác sỹ và nhà ngoại giao người Anh rất được kính trọng David Nabarro, 67 tuổi, người đã dành 2 thập kỷ làm việc cho WHO.

Ứng cử viên nữ duy nhất là cựu Bộ trưởng Y tế Pakistan Sania Nishtar, 53 tuổi, với thông điệp "lấy lại uy tín" cho WHO. 

Cả 3 ứng cử viên này đều cam kết tìm kiến một diện mạo mới cho WHO. Trước đó, tổ chức này đã khởi động một loạt cuộc cải cách kể từ khi phải đối mặt với những chỉ trích là phản ứng chậm chạp với dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người trong giai đoạn cuối năm 2013 đến đầu năm 2016.

Ngoài ra, WHO cũng tự thừa nhận cần thêm nhiều cuộc cải cách để tăng khả năng ứng phó với các mối đe dọa nổi lên trong thế giới đang thay đổi từng ngày. 

Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Mỗi ứng cử viên sẽ có bài phát biểu tại đại hội thường niên của WHO tại đây trước khi các phái đoàn đại diện các nước tiến hành bỏ phiếu kín.

Nếu không ứng cử viên nào nhận được đa số 2/3 phiếu ủng hộ, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức giữa 2 ứng cử viên nhận được nhiều phiếu nhất và người được đa số quá bán sẽ trở thành Tổng Giám đốc mới.

Đây là lần đầu tiên có nhiều ứng cử viên chạy đua vị trí lãnh đạo WHO, một trong những cơ quan có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực đối phó với các vấn đề y tế khẩn cấp cũng như tăng cường ý thức cảnh giác của các quốc gia về các thách thức y tế, từ ô nhiễm đến béo phì... trên phạm vi toàn cầu.

Trước đây, ban lãnh đạo WHO thường giới thiệu 1 ứng viên duy nhất để các nước thành viên phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục