Khó khăn do lạm phát toàn cầu, xuất siêu nông sản quý 1 giảm gần 40%

Kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm, lạm phát cao kèm theo áp lực cạnh tranh khi nhiều nước tái xuất khẩu sau COVID-19 đã khiến tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý 1 giảm sút.
Khó khăn do lạm phát toàn cầu, xuất siêu nông sản quý 1 giảm gần 40% ảnh 1Tôm là một trong những sản phẩm có giá trị xuất khẩu giảm mạnh trong quý 1/2023. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong ba tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thuỷ sản là 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình khó khăn này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo từ cuối năm 2022.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga-Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.

So với các quý trước của năm 2022, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần) trong quý 1/2022. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Khó khăn do lạm phát toàn cầu, xuất siêu nông sản quý 1 giảm gần 40% ảnh 2

Trong 3 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%; đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% và muối đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3%.     

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%)...

Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm gồm: Tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3%), sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD (giảm 34,9%), cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%), chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%), hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%), cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), cà phê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3%).

Các thị trường xuất khẩu chính  thuộc khu vực châu Á (chiếm 48,8% thị phần), châu Mỹ (20,3%), châu Âu (12,8%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,2%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục