Khó khăn trong kiểm soát nạn ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí tại TP HCM, song tình trạng này vẫn ngày càng gia tăng bởi nhiều tồn tại không dễ khắc phục.
Khó khăn trong kiểm soát nạn ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua luôn ở mức cao với tỷ lệ lớn bụi bẩn, hóa chất trong không khí.

Các giải pháp như di dời các khu sản xuất ra ngoại thành, kiểm soát khí thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã được đưa ra. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn không giảm.

Những tồn tại không dễ khắc phục

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Thành phố Hồ Chí Minh là từ hoạt động xả khí thải sản xuất của nhà máy công nghiệp như khu công nghiệp Tân Bình, khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung... và rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở cả nội thành và ngoại thành. Trong đó, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, khói bụi hay đã trang bị nhưng chưa đạt chuẩn.

Một nguyên nhân khác là do lưu lượng các loại xe cơ giới và xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh quá lớn. Riêng lượng xe tải lưu thông qua khu vực các cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh, các bến xe và bến cảng biển, bến cảng sông lên đến hàng chục ngàn lượt xe mỗi ngày.

Tình trạng kẹt xe cũng là một áp lực cho không khí khi xảy ra ngày càng thường xuyên, liên tục, nhất là tại khu vực các tuyến đường liên quận đổ về trung tâm (ví dụ các tuyến từ huyện Nhà Bè-quận 7-quận 4-quận 1, tuyến từ huyện Củ Chi-quận Tân Bình-quận Phú Nhuận-quận 3, tuyến quận Thủ Đức-quận Bình Thạnh-quận 1).

Không gian xung quanh Bến xe An Sương và Bến xe Miền Đông cũng là những vụ trí rất đông đảo xe cộ và nguy cơ ô nhiễm từ khói thải rất cao.

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay hệ thống quan trắc không khí tự động của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được thay thế."

"Hệ thống quan trắc (gồm 8 điểm quan trắc) được triển khai vào năm 2000 và được sử dụng thường xuyên suốt 10 năm nên đã cũ kỹ, xuống cấp gây ảnh hưởng đến độ chính xác của hoạt động quan trắc nồng độ ô nhiễm không khí.

Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố đang đề xuất các giải pháp thay thế để nắm tình hình tốt hơn,” ông Hiền giải thích.

Thiếu giải pháp xử lý triệt để

8 điểm quan trắc không khí nói trên gồm 3 điểm quan trắc không khí tại các khu vực giao thông, 3 điểm quan trắc tại các khu công nghiệp và 2 điểm quan trắc tại các khu dân cư. Ngoài thông số các mức ô nhiễm về bụi, mức ô nhiễm về nồng độ chì và tiếng ồn trong không khí rất lớn.

Tình trạng ô nhiễm không khí do chì và NO2 tại các trạm quan trắc là thường vượt tiêu chuẩn. Nồng độ chì đo được tại các trạm quan trắc từ đầu năm 2009 đến nay thường dao động ở ngưỡng 0,22-0,38 g/m³ không khí.

Nồng độ NO2 tại các trạm quan trắc cũng vượt tiêu chuẩn (thường dao động ở mức 0,19-0,34mg/m³ ) và đang có biểu hiện ngày càng gia tăng.

Theo nghiên cứu của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thì mức độ tiếng ồn của Thành phố Hồ Chí Minh là rất cao, thậm chí là nằm trong tốp các thành phố cao nhất thế giới.

Mức tiếng ồn của các khu vực được đo tại các giao lộ lớn như ngã tư An Sương (cao nhất 83dBa), vòng xoay Phú Lâm (cao nhất 79dBa), ngã 4 Đinh Tiên Hoàng- Điện Biên Phủ (cao nhất 82dBa). Với những mức âm thanh này thì áp lực cho người dân là rất cao.

Ô nhiễm không khí rất khó phát hiện bằng mắt thường nên việc phát hiện ô nhiễm không khí cũng rất khó khăn. Các vấn đề hiện nay là xả thải lén vào ban đêm, không kiểm soát được hàm lượng các hóa chất đầu vào và đầu ra tại các lò đốt, thiếu máy quan trắc và lưu lượng xe tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có tăng mà không giảm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục