Khó nhận biết kích thước "siêu Trăng" và Trăng tròn thông thường

Theo Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, bằng mắt thường khó có thể nhận biết được kích thước của Trăng tròn lúc thông thường so với hiện tượng "siêu Trăng" diễn ra ít phút nữa.
Khó nhận biết kích thước "siêu Trăng" và Trăng tròn thông thường ảnh 1Trăng tròn thông thường (trái) và "siêu Trăng." (Nguồn: http://prometheus.med.utah.edu)

Chiều 14/11, ​anh Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam) cho biết, bằng mắt thường, người yêu thiên văn khó có thể nhận biết được kích thước của Trăng tròn lúc thông thường so với hiện tượng "siêu Trăng" diễn ra ít phút nữa.

Trước đó, rất nhiều thông tin cho biết, lúc Trăng tròn ở thời điểm cận địa vào tối nay, kích thước mặt trăng sẽ to hơn 14% và sáng hơn 30% so với Trăng tròn bình thường.

Anh Sơn cho hay, Mặt Trăng vào tối nay sẽ có đường kính lớn hơn Trăng tròn thông thường khoảng 7% và sáng hơn 14%. Đương nhiên, điều này cho thấy Mặt Trăng hôm nay sẽ đẹp hơn so với thông thường khi người yêu thiên văn quan sát trong điều kiện không mây, ít ô nhiễm ánh sáng.

Nói về "sai số" mà một số phương tiện truyền thông đã nêu, anh Sơn giải thích sự chênh lệch này là khi so sánh Mặt Trăng ở điểm cận địa (supermoon) với khi ở viễn địa (micromoon) chứ không phải so sánh với Trăng tròn thông thường, được tính ở khoảng cách trung bình của nó đến Trái Đất.

Cũng theo anh Sơn, Mặt Trăng vào đêm nay sẽ đạt điểm Trăng tròn chỉ sau khoảng hơn hai giờ kể từ thời điểm nó đạt cận địa. Thời điểm cận địa của Mặt Trăng vào lúc 18 giờ 30 phút và điểm Trăng tròn là 20 giờ 52 phút.

Tại cận địa lần này, Mặt Trăng sẽ cách Trái Đất 356.536km (khoảng cách trung bình của Mặt Trăng tới Trái Đất là 384.000km). Lần tiếp theo, Mặt Trăng sẽ gần trái đất như vậy vào ngày 25/11/2034.

Vị chuyên gia này cũng nhận định, việc Mặt Trăng tối nay lớn hơn 7% và sáng hơn khoảng 14% trên thực tế là rất nhỏ và rất khó nhận ra khi quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, với những người quan sát bằng kính thiên văn có gắn kính lọc ánh Trăng thì sẽ thú vị hơn đôi chút.

Hiện tượng này, theo anh Sơn, cũng không gây ra ảnh hưởng nào cho hoạt động của con người cũng như các điều kiện tự nhiên của Trái Đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục