Khổ vì chạy sô ăn Tết

Khổ vì "một chốn" phải chạy sô ăn Tết đến "bốn quê"

“Sáng 28 Tết, cả nhà bồng bế nhau về quê nội ở Thanh Hóa, mồng ba lại ngược ra Thái Bình. Chỉ đi lại đã đủ mệt," chị Thanh than thở.
“Sáng 28 Tết, vợ chồng, con cái bồng bế nhau về quê nội ở Thanh Hóa, đến mồng ba Tết lại dắt díu ngược ra Thái Bình. Nghĩ đến đi lại giữa hai quê vào dịp Tết cũng đủ mệt rũ người,” chị Nguyễn Thị Thanh (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) ngao ngán nói.

Không chỉ riêng chị Thanh, vợ chồng mỗi người một nơi, Tết phải chạy sô đằng nội, đằng ngoại, là tình cảnh của rất nhiều người.

Mệt mỏi vì ăn Tết

Vừa lên lịch trình cho Tết này, chị Thanh vừa cho biết, nhà chị thật đúng là "một chốn bốn quê." Quê chồng ở Quảng Xương, Thanh Hóa, nhưng đằng ngoại của nhà chồng lại ở huyện Hậu Lộc. Thế nên ngày 28 về Quảng Xương, ăn Tết với bố mẹ chồng đến hết ngày mồng 1, mồng 2 lại phải sang Hậu Lộc để chúc thọ bà ngoại chồng.

Mồng ba cả nhà kéo về Đông Hưng, Thái Bình để chúc Tết ông bà ngoại. Mồng bốn cả đại gia đình rồng rắn sang huyện Thái Thụy, cũng thuộc tỉnh Thái Bình, để chúc sức khỏe bà ngoại vợ.

Lịch kín mít, cứ di chuyển liên tục nên chị thấy rất mệt mỏi. Cả năm chỉ có mấy ngày Tết để nghỉ ngơi, nhưng như chị, Tết lại còn vất vả hơn. “Nhiều khi, chỉ ước Tết không phải đi đâu, chỉ nằm dài ở nhà.  Nhưng không đi thì không được, cả năm mới có một ngày Tết. Tôi cũng tự an ủi là có lẽ mình còn hạnh phúc hơn nhiều người là còn có ông bà, bố mẹ để mỗi năm có thể lặn lội đi chúc Tết,” chị Thanh chia sẻ.

Cũng theo chị Thanh, để yên tâm về quê, chị phải thuê một người quen trông hộ nhà ở Hà Nội với giá 2 triệu đồng cho 7 ngày đi vắng. Việc thuê taxi đi lại giữa các quê cũng tốn từ 5 đến 7 triệu đồng.

Tốn kém với việc thuê xe đi nhà nội, nhà ngoại cũng là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Thảo, ở Đô Lương, Nghệ An. Chị bị say xe, lại có hai con nhỏ nên năm nào, hai vợ chồng cũng phải thuê ôtô từ Hà Nội về quê chồng ở Nam Định, rồi lại từ Nam Định, thuê xe về quê vợ ở Nghệ An. Riêng khoản thuê xe tốn tới vài triệu đồng.

“Đi ôtô khách ngày thường với tôi đã là kinh hoàng, nói gì đến ngày Tết phải chen chúc, bị nhồi nhét. Đi xe kiểu đó cũng không tốt cho sức khỏe của con nên dù tốn kém một chút cũng đành chịu,” chị Thảo chia sẻ.

“Tuy mệt, nhưng cũng có niềm vui là được nếm mùi vị Tết ở các vùng quê khác nhau,” chị Thảo cười nói.

Mâu thuẫn vì quê anh, quê tôi

Theo chị Thảo, một điều khá quan trọng đối với các cặp vợ chồng khác quê là phải thỏa thuận với nhau trước về lịch trình ăn Tết đằng nội, đằng ngoại, nếu không sẽ mất vui, vì ai cũng muốn về nhà mẹ đẻ mình được lâu hơn.

Đây là bài học được chị rút ra ngay từ sau cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Năm đầu tiên phải ăn Tết ở đất khách, hoàn toàn xa lạ với mình từ những người xung quanh đến phong tục, tập quán, chị nhớ nhà da diết và thấy mình cô đơn, lạc lõng.

“Thủ thỉ với chồng mồng 3 Tết vào Nghệ An, nhưng chồng cứ nấn ná, còn mẹ chồng thì chép miệng: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Tôi ứa nước mắt vì tủi thân,” chị Thảo chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ cái Tết chẳng mấy vui vẻ ấy, những năm sau, chị luôn đề nghị chồng vạch rõ lịch trình từ trước khi về quê, làm sao cân đối cả ở bên nội, bên ngoại, sau đó cứ thế thực thi.

Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, quê anh hay quê tôi cũng là vấn đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn online.

Trên webtretho, thành viên có nick name cafe2010 bức xúc vì chồng đề nghị về quê nội ăn Tết đến hết mùng 6 mới sang nhà ngoại.

Cũng trên diễn đàn này, một anh chồng có nick name nguoichongngoc than thở: Suốt mấy ngày nay, hai vợ chồng cãi nhau về việc về nhà ai ăn Tết. Vợ anh ở miền Nam. Tết năm ngoái, do mới cưới, quê chồng lại ở miền Trung nên hai vợ chồng ăn Tết ở nhà nội. Năm nay vợ nhất quyết đòi ăn Tết ở nhà ngoại.

“Hai vợ chồng ở Sài Gòn, mẹ vợ hầu như mỗi tuần xuống một lần. Trong khi đó nhà tôi ở xa, cả năm chỉ về quê được một lần vào dịp Tết, nhà lại chỉ một mẹ một con, bỏ mẹ ăn Tết một mình, sao đành lòng được? Hai vợ chồng không thống nhất được với nhau, nghĩ mà buồn quá,” nick name nguoichongngoc chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm, Tết Nguyên đán với phong tục đi thăm hỏi, chúc sức khỏe bố mẹ là một nét đẹp truyền thống trong tâm linh người Việt. Vì thế, các cặp vợ chồng nên chia sẻ, cảm thông và nghĩ cho nhau vì ai cũng muốn báo hiếu bố mẹ mình. Nếu như có thể, nên cố gắng để về cả hai nhà. Nếu quá xa, nên ngồi lại để cùng tìm được tiếng nói chung, tránh bất hòa trong những ngày đầu năm mới./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục