"Vũ trường" giữa phố

Khổ vì nạn “vũ trường” đường phố hoành hành

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội gần đây, các siêu thị điện máy-điện tử đua nhau phát ra một thứ âm thanh... "khủng bố" người đi đường.
Trên nhiều tuyến phố Hà Nội gần đây, các siêu thị điện máy-điện tử đua nhau phát ra một thứ âm thanh chói tai, "khủng bố" người đi đường. Tiếng nhạc xập xình, ầm ĩ hệt chốn vũ trường thực sự trở thành nỗi khiếp đảm của những ai phải đi qua các đoạn đường này.

Hơn thế, "nó" còn khiến Thủ đô trở nên "xấu xí" trong ánh mắt của những du khách trong và ngoài nước hàng ngày đến với Hà Nội, nhất là khi dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long đang tới gần.

Những con đường..."bão táp"

Buổi sáng đầu tuần, trong dòng xe cộ đông nghịt đang cố nhích từng centimét ở nút tắc đường Láng- Ngã Tư Sở, nhiều người giật mình bởi tiếng nhạc nổ như “sấm” bên tai.

Té ra, một bản nhạc sàn đang “hót” trong các vũ trường, quán bar vừa được mở hết công suất từ một tòa nhà siêu thị điện máy.

Ngán ngẩm nhìn lên dàn loa thùng đang rung “bần bật” cùng thứ nhạc quái dị, chía thẳng ra mặt đường từ siêu thị điện máy 168 Đường Láng, anh Huân mặt đỏ gay, bực dọc: “gần cả tháng nay, ngày nào cũng vậy, sáng đi làm chiều tan sở chúng tôi lại bị khủng bố bởi tiếng nhạc vũ trường đinh tai nhức óc.”

“Mệt mỏi vì tắc đường đã đành nhưng tiếng nhạc Tây Tàu lẫn lộn dội như tiếng bom vào tai người dân thế này thì loạn. Đường phố không phải cái vũ trường hay cái chợ để tác quái, thích làm gì thì làm”- Anh Huân bức xúc nói tiếp.

Hầu như tất cả những người đi làm qua tuyến Cầu Giấy-Đường Láng-Trường Chinh như anh Huân đều phải chịu chung số phận bị “tra tấn” nhạc sàn ngày ngày vào sáng sớm và chiều tan sở.

Quan sát các chủ phương tiện đang bị tắc nghẽn tại nút Đường Láng dưới tiếng nhạc ầm ĩ đến chói tai, hầu như mọi người có chung vẻ mặt nhàu nhĩ, nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng và căng thẳng.

Dừng xe trước cửa hàng điện tử khá "phản cảm" vì giăng kín biển hiệu, bật nhạc to quá cỡ ở ngã tư Chùa Bộc-Tây Sơn, Chị Hoa tay đeo chiếc bịt tai bằng bông cho đứa con nhỏ, gắt gỏng: “Trời nắng nóng, nhưng để đối phó với tiếng nhạc mẹ con tôi phải dùng loại mút bông thế này.”

Nhìn đứa trẻ đang bấu chặt vào lòng mẹ, khóc ré lên trước tiếng nhạc í éo rợn người dễ hiểu vì sao nhiều tháng nay nút tắc vốn vẫn được gọi là Ngã Tư… Khổ lại có thêm cái tên mới “con đường bão táp”.

Và như phản ứng dây chuyền, hiện tượng phố phát nhạc suốt ngày đêm ngày càng “lớn nhanh như thổi” đang đe dọa đến cả những con phố vẫn được xem là đẹp nhất của Hà Nội.

Dưới nắng hè oi bức mùa hạ, ở ngã tư phố Lý Thường Kiệt nhiều người đi đường phải lựa chọn cách vượt đèn đỏ như một cách thoát khỏi tiếng nhạc chói tai phát ra cửa hàng điện máy số 23 phố Quang Trung.

Đâu đó có tiếng thở dài ngán ngẩm, tiếng cáu gắt chửi thề của một tay xế ôm ném về phía cửa hàng điện máy đang "hồn nhiên" phát ra tiếng nhạc chát chúa.

“Ngay cả vũ trường hoạt động còn phải đảm bảo hệ thống cách âm tránh lọt tiếng ồn ra ngoài, với tình trạng ngày ngày hành xác nhạc sàn thế này người dân sợ không dám bước chân ra đường”- một người dân nói.

"Ô nhiễm" không gian phố Hà Nội

Với người dân hay nhiều du khách vẫn ấn tượng vẻ đẹp của một Hà Nội xưa thì nạn quán xá đua nhau phát…nhạc sàn trên nhiều tuyến phố quả đã gây một sự bất bình, khó hiểu.

Lâu nay, giao thông Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải khi các dòng người từ mọi tuyến phố đổ về trong giờ tan sở.

Với người đi đường, dưới cái nắng như đổ lửa, đường phố tắc nghẽn chỉ cần tiếng còi xe bụi khói đã đủ làm không khí muốn "nổ tung", thêm tiếng nhạc sàn dội ầm ĩ bên tai thì chẳng khác nào bị hành xác.

Đi qua những con phố đẹp giữa lòng thủ đô như  Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh… dễ dàng nhận thấy hình hài những con đường đang bị bằm nát vô tội vạ bởi lô lốc những dịch vụ mới.

Nạn lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong, nhậu đêm đến tình trạng ô nhiễm môi trường bởi rác thải, ý thức vệ sinh nơi công cộng và gần đây là nạn bật nhạc ầm ĩ làm ô nhiễm không gian phố xá…đang làm mất đi hình ảnh một Hà Nội xưa.

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Thị Minh Thái lý giải: Xuất phát từ “thói quen khó chữa” của những chủ nhân ở đô thị chưa biết cách ứng xử với chính đô thị của mình. Từ góc độ văn hóa, Hà Nội chưa xứng tầm một đô thị đang phát triển mà vẫn như một cái làng to. Kinh tế thị trường, cách quản lý lỏng lẻo, những thói quen xấu và cả sự dễ dãi của con người đang làm nét đẹp văn hóa của một Hà Nội ngày càng phai nhạt.

“Bất cứ người dân ở thủ đô hay một du khách nào khi quan sát đường phố Hà Nội đều nhận ra những hạt sạn văn hóa của một đô thị đang phát triển. Một Hà Nội thanh lịch đang dần biến mất. Hàng rong bán lê la trên vỉa hè, ứng xử vệ sinh công cộng bừa bãi, rác thải ô nhiễm, quán xá thi nhau mở nhạc ầm ĩ… Tất cả đống hổ lốn đó đang đe dọa và phơi bày một Hà Nội xấu xí” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Vân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin - Quận Đống Đa, địa bàn đang bị nạn "vũ trường" tác quái trên nhiều tuyến phố như Đường Láng, Chùa Bộc... khẳng định: “Quận Đống Đa đã lên kế hoạch triển khai một chiến dịch chấn chỉnh cảnh quan trên các tuyến phố để hướng đến Đại lễ 1000 Thăng Long. Mọi hình thức nhằm để quảng cáo như biển hiệu, loa đài gây ồn làm ảnh hưởng đến hình ảnh mỹ quan, không gian văn hóa đường phố đều nằm trong danh mục cấm. Chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng ban chức năng và cùng chính quyền tại các phường trên toàn quận lên kế hoạch kiểm tra và xử l‎ý nghiêm.”

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục