Khó xảy ra cuộc đua lãi suất huy động

Thời gian qua, thị trường tiền tệ xuất hiện một số hiện tượng "lạ". Các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND sau một thời gian dài điều chỉnh giảm.

Thời gian qua, thị trường tiền tệ xuất hiện một số hiện tượng "lạ". Các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND sau một thời gian dài điều chỉnh giảm.

Trong khi đó, lãi suất huy động USD có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng tỷ giá mua bán USD lại được các ngân hàng nâng lên kịch trần. Vậy đâu là nguyên nhân của các hiện tượng này?

Vì sao phải tăng lãi suất huy động?

Khối các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietinbank, MHB... đã tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,4%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Khối ngân hàng ngoài quốc doanh tăng 0,1 - 1,2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu: “Các ngân hàng thiếu vốn thì mới tăng lãi suất huy động. Mức độ thiếu vốn của các ngân hàng khác nhau nên mức điều chỉnh lãi suất huy động cũng khác nhau... Các ngân hàng cũng phải tính toán cẩn thận, nếu lãi suất huy động tăng quá cao, mà lãi suất cho vay đã bị trần khống chế thì họ sẽ không có lợi nhuận”.

Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân khiến cho các ngân hàng tăng lãi suất huy động VND. Thứ nhất, các ngân hàng đang cần tiền để chuẩn bị cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn của Chính phủ. Thứ hai, nguồn tiền không còn chảy vào ngân hàng qua kênh lãi suất mà chuyển qua các kênh đầu tư hấp dẫn như chứng khoán, vàng...

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho biết: “Gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ đã giúp các ngân hàng giải ngân được khoản vốn tương đối lớn. Nhằm chuẩn bị vốn cho gói kích cầu thứ hai cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động".

Bên cạnh đó, "chứng khoán thời gian qua có những phiên giao dịch tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều người đã rút tiền gửi tiết kiệm để đầu tư. Ngoài ra, họ cũng có những kênh đầu tư hấp dẫn khác như vàng, USD...”.
 
 Sẽ có cuộc đua lãi suất?

Việc một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ lãi suất huy động khiến nhiều người cho rằng có thể xảy ra một cuộc đua lãi suất như trong năm 2008. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì sẽ không có chuyện đó.

Theo Hiệp hội, năm nay rất khác với năm 2008 khi chưa thực hiện quy chế trần lãi suất, hiện các ngân hàng không thể cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản. “Họ phải tính toán đầu vào phù hợp để lãi suất đầu ra không vượt quá trần quy định, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng là trung gian tài chính thì phải thu được một khoản lợi nhuận để bù đắp chi phí”, một lãnh đạo của Hiệp hội Ngân hàng nhận định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước "thị trường đang có một số yếu tố làm lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất huy động có xu hướng tăng lên. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là điều tiết linh hoạt các kênh tái cấp vốn, cũng như lãi suất, thậm chí cả tỷ giá để trước hết là ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế".

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ đậm nét hơn trong thời gian tới vì gói kích thích kinh tế sẽ kéo dài tới năm 2011. Điều đó đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp linh hoạt để tránh xảy ra cuộc đua lãi suất huy động, gây sức ép đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, có như thế chương trình kích cầu của Chính phủ mới mang lại hiệu quả.

USD: Lãi suất giảm, tỷ giá tăng

Trái ngược với lãi suất huy động VND, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhẹ trong tuần qua, mới nhất có Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Quốc tế (VIBbank) giảm 0,1-0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Tuy nhiên tỷ giá mua bán USD vẫn được các ngân hàng niêm yết kịch trần.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank: "Lãi suất USD trên thị trường thế giới giảm nên lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại trong nước cũng giảm theo... Lãi suất hạ nhưng không có nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn bằng USD vì họ lo ngại tỷ giá biến động. Hơn nữa, doanh nghiệp thích vay bằng VND hơn vì được Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất”, bà Hà cho biết thêm.

Trên thực tế doanh nghiệp đang cần USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, tỷ giá mua bán USD trong thời gian gần đây được các ngân hàng niêm yết ở mức trần. "Cầu tăng, cung không đáp ứng đủ là lý do tỷ giá được niêm yết lên mức trần", bà Hà nói.

Để chấn chỉnh vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã có đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ, các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép của các tổ chức, cá nhân và xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế đại lý đổi ngoại tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục