Khó xảy ra lạm phát cao trong nửa cuối năm

Theo phân tích của các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm, có không ít các yếu tố có thể tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Tuy nhiên, nhận định chung của nhiều chuyên gia tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước ngày 30/6 là sức ép tăng giá sẽ không quá lớn và khó xảy ra lạm phát cao.
"6 tháng cuối năm khó xảy ra lạm phát cao" là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước ngày 30/6, tại Hà Nội.
CPI tăng cao hơn so với nửa đầu năm

Qua phân tích các yếu tố có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng cuối năm, có thể thấy chỉ số này nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Theo phân tích của các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm, có không ít các yếu tố có thể tác động khiến CPI tăng.

Trước hết, khả năng kinh tế thế giới phục hồi kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều loại nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất.

Các tính toán đều cho rằng, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong quý III và IV do kinh tế dần ổn định, các chương trình kích cầu phát huy tác dụng sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu như sắt thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi... tăng cao hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ tận dụng cơ hội từ chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để đẩy mạnh nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất, đồng thời mua sắm thiết bị và tận dụng cơ hội giá rẻ từ thị trường thế giới.

Việc nhập khẩu tăng cùng với giá nguyên liệu tăng đương nhiên sẽ kéo theo giá thành sản xuất hàng hóa trong nước cũng phải tăng tương ứng, khiến giá bán tăng.

Một yếu tố quan trọng khác là việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và kích cầu đầu tư, tiêu dùng như hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế... sẽ góp phần đưa tín dụng tăng trở lại, đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

Do vậy, nếu chính sách điều tiết nguồn hàng và quản lý giá cả thị trường không linh hoạt, nhiều khả năng giá cả hàng hóa sẽ bị đẩy lên. Các chuyên gia thuộc Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng nhận định, xét theo những ngành hàng trọng yếu thì quan hệ cung cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm bảo đảm đủ, không có dấu hiệu thiếu nguồn cung, nhưng lại có dấu hiệu hàng hóa sẽ tăng giá do chi phí sản xuất, lưu thông bị đẩy lên.

Các yếu tố góp phần đẩy chi phí tăng bao gồm sản xuất trong nước vẫn tiềm ẩn khó khăn do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; do thiên tai, dịch bệnh; do giá yếu tố đầu vào như than, điện, nước có khả năng điều chỉnh tăng... Đó là chưa kể đến một số yếu tố có thể gây biến động giá bất thường như giá xăng dầu được điều chỉnh theo thị trường thế giới; việc tăng lương tối thiểu cho các nhóm lao động.

Khó xảy ra lạm phát cao

Mặc dù có những yếu tố có thể đẩy CPI tăng, nhưng theo các chuyên gia, sức ép sẽ không quá lớn.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, mặc dù có nhiều yếu tố tác động gây tăng giá như giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng từ cuối quý I, kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng trong nước; tác động từ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than; tác động của các gói kích cầu; tác động của việc tăng lương.

Tuy nhiên, chỉ số CPI 6 tháng qua cũng chỉ tăng 2,68% và xu hướng tăng CPI giảm dần theo từng tháng nhờ các biện pháp quản lý giá cả khá chặt chẽ, kịp thời đã phát huy tác dụng. Mặt khác, mặt bằng giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ hiện nay đã khá cao nên những tháng cuối năm nay giá cả sẽ không thể tăng nhiều. Điều quan trọng là, khả năng tái lạm phát đã được cảnh báo sớm và Chính phủ đã lường được trước, từ đó đã có biện pháp cụ thể để phòng ngừa và đảm bảo lạm phát không thể tăng cao.

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã bàn nhiều về phương án kiềm chế lạm phát, không để tăng quá cao trong những tháng cuối năm và có tính đến cả năm 2010. Các giải pháp tài chính đang được thực hiện quyết liệt trên nguyên tắc không làm tăng cung ứng tiền ra lưu thông. Thực hiện phối hợp giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong lưu thông về đảm bảo cân đối cung-cầu tiền hàng.


Dự báo giá cả các mặt hàng thiết yếu nửa cuối năm:
  
  Giá gạo có xu hướng giảm theo giá thế giới nhưng không giảm sâu.
  Giá thực phẩm không biến động lớn, một số loại tăng nhưng không đột biến.
  Giá phân bón, vật liệu xây dựng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.
  Giá thức ăn chăn nuôi tăng không đáng kể.
  Giá bán than cho các hộ lớn điều chỉnh theo lộ trình.
  Giá xăng dầu biến động theo giá thế giới.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục