Khoán doanh thu trạm phí BOT: Phải chờ nhà đầu tư “gật đầu”

Khi khoán doanh thu phí, nhà đầu tư BOT phải tiết kiệm mọi chi phí điều hành, đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí, không bị thất thoát. Tuy nhiên, quyền quyết định lại thuộc về nhà đầu tư BOT.
Khoán doanh thu trạm phí BOT: Phải chờ nhà đầu tư “gật đầu” ảnh 1Thu phí phương tiện trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để tăng cường việc giám sát công tác thu phí một cách chặt chẽ, minh bạch, chống thất thoát, ông Nguyễn Xuân Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, bài toán là giải pháp tổng thế như chính sách khoán doanh thu cho mỗi trạm thu phí, phần mềm giám sát trực tuyến số liệu thu phí, đẩy mạnh thu phí không dừng (ETC) kết hợp với thanh kiểm tra tăng cường về thu phí, giám sát trạm phí.

Khoán doanh thu trạm phí

Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, đến ngày 1/8 vừa qua, tổng số 48 trạm thu phí cho 43 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác. Đến năm 2020, khoảng 30 trạm thu phí BOT sẽ thu phí, nâng tổng số trạm thu phí lên khoảng 78 trạm thu phí.

“Tuy nhiên, với số lượng lớn trạm thu phí trải khắp đất nước nên việc theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí, công tác tổ chức giám sát thu phí của Tổng cục gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng con người cũng chỉ có mức độ (đoàn kiểm tra, giám sát trạm phí Pháp Vân-Cầu Gĩe lên tới 55 người làm việc căng sức, phân chia 24/24 giờ giám sát), chưa tính các kinh phí ăn ở là cả một vấn đề, cực chẳng đã mới phải giám sát,” ông Cường thừa nhận.

Theo ông Cường, việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục Đường bộ và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế), thời gian khoán sẽ là 5 năm một lần. Sau 5 năm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.

Đề cập đến cơ sở khoán mức thu ở trạm phí, ông Cường đưa ra căn cứ dựa vào tổng mức đầu tư dự án, lưu lượng xe ngày/đêm qua trạm, mức phí đối với từng loại xe.

“Nếu nói vòng đời dự án chính là tổng mức đầu tư để xác định thời gian thu phí thì cần tính toán giá trị thực của công trình qua kiểm toán, quyết toán để tính mức thu phí, thời gian thu phí. Lưu lượng từng loại xe qua trạm nhân với mức phí sẽ đưa ra con số doanh thu thu phí,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nói.

Đặt câu hỏi đến việc dự báo doanh thu sẽ rất khó chính xác và chỉ mang tính chất tương đối, ông Cường giải thích thêm, hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế (dao động từ 5-10%) tùy theo tốc độ tăng trưởng giữa các năm đồng thời qua khảo sát, dự báo tốc độ của lưu lượng xe để xác định khoán doanh thu thu phí trong vòng thời gian 5 năm tránh rủi ro nhất cho Nhà nước và nhà đầu tư vì làm mỗi năm sẽ rất tốn kém chi phí.

“Nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước phải ngồi lại, thống nhất mức khoán doanh thu thu phí và đàm phán với nhau ở mức độ khoán cụ thể nào để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân. Việc tính toán lưu lượng xe và dự báo lưu lượng xe phải chính xác và khoa học. Có thể tăng thành phần giám sát như cơ quan thuế vào cùng kiểm đếm doanh thu vì phải xác định mức thuế sẽ cho ra con số minh bạch, sát với doanh thu thực để dân yên tâm,” ông Cường cho biết thêm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh, khi khoán doanh thu phí, nhà đầu tư BOT phải tiết kiệm mọi chi phí điều hành, nhân công để có hiệu quả nhất. Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù vào.

“Nếu thực hiện được cơ chế khoán thu phí thì bên cạnh việc đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí, không bị thất thoát, việc này cũng giúp các nhà đầu tư có được tính chủ động cao hơn,” ông Cường khẳng định.

“Không thể muốn khoán là được”

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra khó khăn trong quá trình triển khai khoán doanh thu phí bởi nhà đầu tư BOT phải “gật đầu” đồng ý, chấp nhận khoán mới thực hiện do “mấu chốt” vấn đề nằm ở chính hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư chưa có điều khoản này. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước không thể cứ muốn khoán là được mà phải có sự đàm phán, thống nhất giữa các bên.

Bên cạnh việc khoán doanh thu, Tổng cục Đường bộ cũng đang triển khai phần mềm giám sát trực tuyến (online) số liệu thu phí, đẩy mạnh thu phí không dừng.

Khoán doanh thu trạm phí BOT: Phải chờ nhà đầu tư “gật đầu” ảnh 2Tổng cục Đường bộ muốn khoán doanh thu trạm phí nhưng vẫn phải đàm phán và chờ nhà đầu tư BOT “gật đầu”. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Tổng cục Đường bộ việt Nam xây dựng đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ Giao thông vận tải quản lý”. Đề án giám sát dùng xu hướng máy móc công nghệ tin học để thực hiện giám sát, truyền tải trực tuyến từ trạm phí về trung tâm Tổng cục để kiểm tra, giám sát, hậu kiểm liên tục.

Nhấn mạnh nếu triển khai được thu phí không dừng sẽ rất văn minh và hiệu quả, minh bạch, ông Cường nhìn nhận, xe đi qua trạm phí sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản, không ai can thiệp thay đổi số liệu được vì truyền tải trực tuyến đến tất cả cơ quan quản lý Nhà nước-nhà đầu tư để theo dõi chéo nhau, chưa tính đến đối chiếu ngân hàng.

“Thế nhưng, thu phí không dừng cũng cần có lộ trình thực hiện vì hiện nay vẫn đang chậm thời gian triển khai (dự định vận hành vào đầu tháng Bảy và đã lùi xuống hết quý 3/2016) vì trong quá trình phối hợp giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị thực hiện dịch vụ thu phí không dừng VETC (TASCO) chưa thống nhất đàm phán về giá dịch vụ thu phí, trong khi giấy phép đầu tư cũng vừa mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cho phía TASCO.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác thu phí minh bạch, qua thanh kiểm tra nếu phát hiện tồn tại, Tổng cục Đường bộ nhắc nhở chấn chỉnh nhà đầu tư BOT để tuân thủ tốt hơn, đảm bảo duy trì doanh thu thu phí không thể thấp hơn thời điểm thanh tra đồng thời điều chỉnh lại phương án tài chính nhằm giảm thời gian thu, nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải sẽ thương thảo lại phụ lục hợp đồng BOT.

Song song đó, Tổng cục Đường bộ cũng rà soát tất cả chế tài liên quan đến bảo trì và thu phí, xây dựng một số hành vi chưa có chế tài cần phải bổ sung để xử lý nghiêm các nhà đầu tư khi vi phạm theo thẩm quyền và pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục