Khoảng 10% dân số Việt Nam đang bị rối nhiễu tâm trí

Số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam rất lớn, ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người bị rối nhiễu tâm trí, trong đó số người tâm thần nặng ước tính hơn 200.000 người.
Khoảng 10% dân số Việt Nam đang bị rối nhiễu tâm trí ảnh 1Nhân viên y tế phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Số lượng người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam lớn, ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người bị rối nhiêu tâm trí. Theo số liệu khảo sát, số người tâm thần nặng ước tính khoảng 200.000 người, trong đó số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người.

Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 13/8 tại Hòa Bình.

Tại hội thảo, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hiện nay có 200.000 người mắc bệnh tâm thần nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cả nước đã có 31 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Do thay đổi về lối sống, sự phát triển kinh tế, thiên tai, ô nhiễm môi trường và sự hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội nên số người bị rối nhiễu tâm trí, người bị tâm thần gia tăng. Đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính khoảng 10% dân số, trong đó có 2,5% bị tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội.

Hiện nay, việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễn tâm trí  còn gặp khó khăn do mạng lưới các cơ sở thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Các cơ sở bảo trợ xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Trong bối cảnh, số lượng người rối nhiễu tâm trí ngày càng gia tăng thì việc phát triển hệ thống, dịch vụ trợ giúp xã hội ngày càng cần thiết. Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020 và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăn sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ  có 50 cơ sở phục hồi chức năng, chăm sóc chuyên biệt và cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng./.

Rối nhiễu tâm trí biểu hiện sự lệch lạc về sức khỏe tâm thần, hể hiện ra dưới dạng các triệu chứng rất chung như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, học tập sút kém, làm việc rất khó tập trung, cáu giận vô cớ hoặc lo lắng quá mức. Những người bị rối nhiễu tâm trí người bị thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ đang mang thai hay trong thời gian sau sinh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục