Khoảng 20% sản phẩm cá đang bán tại Mỹ bị dán nhãn mác sai

Tổ chức Oceana đã tiến hành phân tích ADN của hàng trăm sản phẩm cá bán tại thị trường Mỹ và so sánh với thông tin ghi trên nhãn hàng, qua đó phát hiện 20% số sản phẩm cá bị dán nhãn sai.
Khoảng 20% sản phẩm cá đang bán tại Mỹ bị dán nhãn mác sai ảnh 1Sản phẩm cá được bán tại siêu thị Mỹ. (Nguồn: 123rf.com)

Có khoảng 20% số sản phẩm cá bán tại thị trường Mỹ dán nhãn với thông tin sai. Tổ chức phi chính phủ Oceana đã phát hiện điều này sau khi tiến hành phân tích ADN của hàng trăm sản phẩm cá bán tại thị trường Mỹ và so sánh với thông tin ghi trên nhãn hàng.

Cụ thể, Oceana đã tiến hành phân tích 449 sản phẩm cá mua trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8/2018 tại các nhà hàng, siêu thị và quầy bán lẻ trên tổng cộng 25 bang của nước Mỹ, trong đó 94 sản phẩm không trùng khớp với thông tin trên nhãn hàng.

Thông qua khảo sát, Oceana phát hiện tỷ lệ nhãn mác sai càng cao ở những mặt hàng có giá thành cao.

Theo đó, trong số sản phẩm dán nhãn cá vược được kiểm tra, hơn một nửa là loài cá khác có giá thành thấp hơn cá vược như cá rô phi, cá chim... Hay như cá hồng được dán nhãn cá rô phi sông Nile, cá bơn hoặc cá rockfish.

[Mexico thua kiện Mỹ trong cuộc chiến 10 năm về dán nhãn cá ngừ]

So với siêu thị, mức độ sai phạm của các nhà hàng, cửa hàng buôn bán nhỏ nghiêm trọng hơn do hoạt động mua bán có thể dễ dàng "biến báo" để đối phó với các quy định về cá nhập khẩu.

Trước đó, có một cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ sai phạm trong dán nhãn mác ở mức cao tới 30% đối với các loài hải sản có giá thành cao như cá hồi, cá tuyết, cua xanh và cá mú.

Oceana khuyến nghị nhà chức trách Mỹ ban hành quy định tất cả các sản phẩm cá bán tại thị trường Mỹ đều truy xuất được nguồn gốc, thay vì 13 loài cá nhập khẩu như quy định hiện hành.

Đối với các nhà bảo vệ môi trường, việc dán nhãn thông tin chính xác các sản phẩm cá sẽ hỗ trợ công việc khảo sát số lượng loài cá có nguy cơ tuyệt chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục